Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

VNSL: KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG





VNSL: PHẦN HAI - THỜI KỲ BẮC THUỘC


II- HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA)40-43)
Vào năm ba mươi bốn
Năm Kiến Vũ thứ mười
Nhà Hán cử Tô Định
Đi làm quan thái thú
Đứng đầu quận Giao Chỉ
Vừa sang đến nước ta
Đã ỷ thế chuyên quyền
Làm nhiều điều bạo ngược.
Hắn sai bọn dưới trướng
Đến khắp nơi trong quận
Bắt người dân cống nạp
Nào là lông chim quý
Sừng tê giác, ngà voi
Ôi thôi là vơ vét!
Phải khi mùa đói rét
Dân chẳng săn được gì
Thì bị lính đánh đập
Máu lệ ngập mồ hôi
Tiếng kêu than ngút trời
Người nào dám can ngăn
Khó lòng còn sống sót!
Lúc ấy, ở Châu Diên
Có chàng Thi(1) quả cảm
Thấy thảm cảnh đau lòng
Chàng không thể ngồi yên
Bèn viết thư can hắn
Tô Định giận đùng đùng
Cùng đám lính chạy đi
Kiếm chàng Thi hạch tội
Rồi ra tay giết chết.

Lòng xiết bao căm giận
Hận kẻ giết phu quân
Thù kẻ hại dân mình
Bà Trưng về Mê Linh(2)
Cùng em nuôi chí lớn;
Vốn con dòng Lạc tướng
Trưng Trắc và Trưng Nhị
Tuy là phận nữ nhi
Nhưng tính khí cương cường
Hai Bà chẳng cam tâm
Nhìn nước non nghiêng ngả
Nhìn cảnh nhà tan tác!...

Bấy giờ năm bốn mươi
Đúng vào năm canh tý
Trưng Trắc với Trưng Nhị
Thấy Tô Định bạo hành
Ngày lại thêm bạo hành
Hai Bà thương dân khổ
Bèn phất cờ khởi nghĩa
Cỡi voi, voi vui chạy
Khí thế tựa rồng bay!
Hai Bà kéo quân đi
Dân quanh vùng nô nức
Dốc sức mà đi theo
Hai Bà đi tới đâu
Quân Tô Định thua đấy
Thục mạng chạy lấy thân
Trốn về quận Nam Hải
Tại các quận: Cửu Chân
Nhật Nam và Hợp Phố
Dân chúng cũng hò reo
Theo Hai Bà khởi nghĩa
Rùng rùng đoàn quân đi
Hạ được sáu lăm thành(3)
Quét sạch bóng địch quân
Lòng dân như trẩy hội!

Trưng Trắc lên làm vua
Xưng là Trưng Nữ Vương
Cùng Nhị nương(4) trị nước
Hai Bà Trưng song hành
Đóng đô ở Mê Linh
Mở ra nền độc lập
Cho dân tộc vẻ vang
Thoát khỏi vòng nô lệ.
Buổi ban đầu trị nước
Lệnh Trưng Vương ban ra
Hai năm liền xá thuế(5)
Lòng dân vui thỏa thuê...

Niềm vui thường ngắn ngủi
Năm tân sửu, tháng giêng
Khoảng đầu năm bốn mốt(6)
Vua Quang Vũ bên Tàu
Sai Phục ba Tướng quân(7)
Ông tên là Mã Viện
Cùng phó tướng Lưu Long
Và một quan lâu thuyền(8)
Là tướng quân Đoàn Chí
Họ kéo sang Giao Chỉ
Thuyền chở đầy quân, lương
Cả hai đường thủy, bộ
Lộ đầy vẻ quyết tâm.
Mã Viện cho làm đường
San phẳng núi mà đi
Sau một năm chuẩn bị
Ông hối thúc quan quân
Tiến thẳng vào Lãng Bạc
Phía đông làng Cổ Loa;
Hai Bà Trưng hay tin
Từ Mê Linh hối hả
Đem quân về Lãng Bạc
Đón đánh bọn giặc Tàu
Đối đầu không nao núng.

Tới năm bốn mươi ba
Qua nhiều ngày giao chiến
Trước, tiền đồn Lãng Bạc 
Sau, lui về Cổ Loa
Một thời gian ở đấy
Rồi rút về Mê Linh
Mê Linh không cự nổi
Hai Bà về Cấm Khê
Thề cùng nhau sống chết.
Mã Viện tiến quân lên
Một đoàn quân thiện chiến
Quân Hai Bà vỡ trận
Quân Mã Viện đuổi theo
Quyết bắt sống Hai Bà;
Trưng Vương đâu chịu nhục
Lực đã bất tòng tâm
Cũng còn đây khí tiết
Lấy cái chết làm vinh.
Trưng Nữ Vương tuẫn tiết
Trưng Nhị cũng đi theo
Gieo mình trên sông Hát(9)
Trọn lời thề nước non!
Hôm ấy là mồng 6
Tháng hai, năm bốn ba!!.(10)
Quân, tướng của Hai Bà
Lòng buồn như lá rụng
Những ai còn sống sót
Kéo về huyện Cư Phong
Cùng Đô Dương(11) cầm cự
Giữ lấy quận Cửu Chân
Mong có khi phục thù.

Cuối năm bốn mươi ba
Mã Viện tiến quân vào
Truy sát tận Cư Phong
Tiêu diệt quân khởi nghĩa;
Lực lượng quá mỏng manh
Quân ta không địch nổi
Phải cùng nhau ra hàng
Người thì bị giết chết
Người biệt xứ lưu đày
Chốn Linh Lăng(12) cách trở...

Nay sử sách còn ghi
Nét oai hùng thuở ấy
Dấy lên niềm tự hào
Cho con cháu nghìn sau
Tri ân người đi trước!!!

Chú thích:
(1)       Chàng Thi: chồng của Trưng Trắc, tên đầy đủ là Dương Thi. Từ trước đến nay, sử sách đều chép: Thi Sách là chồng của Trưng Trắc; sau này, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử xem lại bản văn chữ Hán thì thấy có sự nhầm lẫn. Trong đoạn văn đó, chữ Thi đứng ngay trước chữ sách-tiếng Hán “sách” có nghĩa là “hỏi”. Đoạn văn được dịch ra như sau: Con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi “hỏi” con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ.
(2)       Mê Linh: huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ
(3)       Sáu lăm thành: 65 thành
(4)       Nhị nương: Trưng Nhị
(5)       Xá thuế: miễn thuế cho dân
(6)       Năm bốn mốt: năm 41
(7)       Phục ba Tướng quân: tức võ tướng ở bên Tàu
(8)       Quan lâu thuyền: quan trông coi các thuyền chiến hay còn gọi là lâu thuyền; loại thuyền này thường có ba tầng , thuyền cao và có thiết kế thuận tiện cho việc chiến đấu trên sông nước
(9)       Hát giang: khúc sông chảy qua xã Hát môn, thuộc huyện Phúc Lộc, nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây
(10)     Năm bốn ba: năm 43
(11)     Đô Dương: một trong các tướng lãnh của Hai Bà Trưng
(12)     Linh Lăng: một quận thuộc tỉnh Hồ Nam bên Tàu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét