Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN NHÂN TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


III- TRẦN NHÂN TÔNG(1279-1293):
1/ VIỆC CHÍNH TRỊ:
Chàng Thái tử Trần Khâm
Lên kế vị cha chàng
Làm vua nước Đại Việt
Hiệu là Trần Nhân Tông.
Trần Nhân Tông thông minh
Tính tình mạnh quyết đoán
Toàn dân Việt an lòng
Cùng dốc sức phò vua.
Sứ nhà Nguyên, bấy giờ
Sang hạch hỏi liên miên
Khiến triều đình bối rối
Nhờ Thánh Tông thượng hoàng
Và nhiều quan mưu trí
Cùng tham vấn cho vua
Đối phó với nước Tàu
Vua quyết không về chầu
Sử dụng kế hoãn binh
Mong chiến chinh đừng đến
Cho thiên hạ thái bình!

Tính từ năm giáp thân
Nghìn hai trăm tám bốn(1) 
Tới giữa năm mậu tý
Nghìn hai trăm tám tám(2)
Đã xảy ra hai lần
Quân Nguyên Mông tiến đánh
Chuyện này xin kể sau(3).

Thời vua Trần Nhân Tông
Ngoài bọn giặc Nguyên Mông
Hai lần sang gây hấn
Còn luôn có giặc Lào
Chúng thường vào quấy phá
Vùng cương thổ phía tây;
Vì vậy, năm canh dần
Nghìn hai trăm chín mươi(4)
Vua Nhân Tông ngự giá
Đem quân đi đánh Lào.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm tám bốn: 1284
(2)          Nghìn hai trăm tám tám: 1288
(3)          Xem chương VI
(4)          Nghìn hai trăm chín mươi: 1290

2/ VIỆC VĂN HỌC:
Đời nhà vua Nhân Tông
Tuy có nhiều giặc giã
Đã là thời hưng thịnh
Nền văn học nước nhà
Xuất hiện nhiều tài năng
Như là Trần Quang Khải(1)
Như là Phạm Ngũ Lão(2)
Như là Hưng Đạo Vương(3)...
Khí lực của văn chương
Làm nức lòng tướng sĩ...
Đáp ứng được dân tình
Giúp nâng cao dân trí.
Khi ấy có Nguyễn Thuyên(4)
Một vị quan trong triều
Là người giỏi văn chương
Sánh ví ông Hàn Dũ(5)
Như một lời tặng khen
Vua cho ông đổi họ
Gọi ông là Hàn Thuyên;
Ông là người khởi sự
Đưa chữ nôm vào thơ
Người đời sau thấy đẹp
Làm thơ theo lối ấy
Gọi là thơ Hàn luật!

Và, đến năm quý tỵ
Nghìn hai trăm chín ba(6)
Nhà vua Trần Nhân Tông
Truyền ngôi cho Thái tử(7)
Ngài về Thiên trường phủ
Giữ chức Thái Thượng Hoàng
Giúp Trần Thuyên trị nước
Ngài làm vua Đại Việt
Với nhiệt thành hăng say
Mười bốn năm trị vì
Mười ba năm cố vấn
Tận tụy cùng giang sơn
Một tấm gương sáng ngời
Đời sau hoài tiếc nhớ!!!
Chú thích:
(1)          Trần Quang Khải:: thời kỳ chống Nguyên Mông lần I, sau khi đánh bại quân Nguyên, lấy lại thành Thăng Long rồi rước vua Nhân Tông về kinh, ông đã viết bài: TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ(xem phụ lục 2) 
(2)          Phạm Ngũ Lão: bài thơ để đời của ông là bài THUẬT HOÀI(xem phụ lục 2)
(3)          Hưng Đạo Vương: nổi tiếng với bài HỊCH TƯỚNG SĨ(xem phụ lục 2)
(4)          Nguyễn Thuyên: quan Hình bộ Thượng thư đời vua Trần Nhân Tông; người huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương. Ông là người đầu tiên sử dụng chữ nôm trong thi phú ở nước ta; trước đó, các thi nhân thường dùng chữ hán mà làm thơ.
(5)          Hàn Dũ: một danh nhân văn học thời xưa của nước Tàu.
(6)          Nghìn hai trăm chín ba: 1293
(7)          Thái tử: tên là Trần Thuyên

VNSL: PHỤ LỤC 2



VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁNH TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


II- TRẦN THÁNH TÔNG(1258-1278):
1/ VIỆC CHÍNH TRỊ:
Thái tử Hoẳng làm vua
Kế nghiệp của cha chàng
Xưng là Trần Thánh Tông;
Trần Thánh Tông nhân từ
Vua nói với anh, em:
“Thiên hạ của chúng mình
Tổ tiên mình để lại
Anh, em mình hưởng chung!”
Bụng dạ nghĩ thế nào
Chàng làm như thế nấy
Hễ có dịp xum vầy
Các hoàng thân vào điện
Cùng vua ăn một mâm
Cùng vua nằm một giường
Thân ái biết nhường bao!
Khi ở trong công việc
Hay là trong buổi chầu
Đâu vào đấy phân minh
Các hoàng thân quốc thích
Giữ tôn ty trật tự
Trọn lễ nghĩa vua, tôi;
Hăm mốt năm trị vì
Giang sơn không giặc giã
Xã tắc được thanh bình
Bởi vua luôn tận tụy
Lo trị quốc yên dân
Mở mang đường học vấn.
Tháng mười năm nhâm thân
Nghìn hai trăm bảy hai(1)
Vua Thánh Tông giáng chỉ
Tìm chọn người tài đức
Chọn lấy người Tư nghiệp(2)
Điều hành Quốc tử giám;
Hoàng đệ của Thánh Tông
Là ông Trần Ích Tắc
Một người rất tài hoa
Vốn học rộng, biết nhiều
Được nhà vua khuyến khích
Mở học đường chiêu sinh
Ai đã là văn sĩ
Muốn trau dồi tài năng
Muốn nâng cao tầm nhìn
Học đường luôn đón nhận;
Chính ông Mạc Đĩnh Chi
Từng là trong số ấy
Nhờ đấy mà thành danh
Rồi ra giúp cho đời...

Thời vua Trần Thánh Tông
Cũng năm nhâm thân đó
Nghìn hai trăm bảy hai
Bộ Quốc sử Đại Việt
Gồm có ba mươi quyển
Là bộ sử đầu tiên
Cho người dân đất Việt
Nay đã được viết xong;
Công việc chép sử này
Khởi từ thời vua trước
Là vua Trần Thái Tông;
Chính ông Lê Văn Hưu
Dốc toàn tâm ghi chép
Chuyện diễn biến thế nào
Kể từ “Triệu Vũ Vương”
Đến thời “Lý Chiêu Hoàng”
Tất cả được soi xét
Chép lại cho đời sau.

Để có thêm hoa màu
Đề phòng nạn đói kém
Nhà vua Trần Thánh Tông
Lệnh cho các vương hầu
Lệnh cho các phò mã:
Chiêu tập người tha hương
Và những ai nghèo đói
Ai thiếu đất cấy cày
Đi khai khẩn đất hoang;
Các vương hầu, phò mã
Theo lệnh vua đã truyền
Họ tổ chức khai hoang
Lập nên các trang điền
Tạo công việc cho dân
Tăng dần thêm hoa lợi.

2/ SỰ GIAO THIỆP VỚI MÔNG CỔ:
Nhà vua Nguyên Thế Tổ
Vua Mông Cổ thời đó
Đã có cả nước Tàu
Ngài muốn cả An Nam
Song, nước Tàu chưa ổn
Chưa dám động can qua.

Vài ba năm, một lần
Vua Nguyên sai sứ giả
Qua sách nhiễu nước ta
Đòi vua ta về chầu
Nhưng vua Trần lần lữa
Chẳng chịu chầu vua Nguyên
Ngài sai sứ qua Tàu
Thay mặt ngài triều cống.
Khi Thánh Tông lên ngôi
Nhà vua Nguyên Thế Tổ
Cử người sang Đại Việt
Phong vương cho vua Trần
Còn đặt ra thông lệ:
Cứ ba năm một lần
Vua Trần phải triều cống.
Muốn tránh khỏi can qua
Thánh Tông đành bấm bụng
Chừng ba năm, một lần
Cho người đi nộp cống
Lễ cống gồm như sau:
Thầy thuốc cùng nho sĩ
Thầy bói và thợ thuyền
Thêm cả thầy toán số
Mỗi hạng, lấy ba người(3)
Cùng với các sản vật
Sừng tê giác, ngà voi
Đồi mồi và châu báu...
Lòng tham lam đau đáu
Muốn An Nam về mình
Vua Nguyên bèn giáng chỉ
Đặt ra quan Chưởng ấn
Là người bên Mông Cổ
Ở lại đất An Nam
Có nhiệm vụ trông chừng
Mà liệu đường thôn tính.

Vua Thánh Tông biết vậy
Âm thầm tuyển mộ binh
Từ đinh tráng các lộ
Cho bổ sung quân ngũ
Và phân chia như sau:
Mỗi quân ba mươi đô
Mỗi đô tám mươi người
Người người trong hàng ngũ
Phải luyện tập chuyên cần.

Năm ấy, năm bính dần
Nghìn hai trăm sáu sáu(4)
Nhà Nguyên sai sứ qua
Vua ta thời đáp lễ
Cử sứ giả sang Tàu
Sứ giả gặp vua Nguyên
Thuyết phục vua thế này:
“Xin nhà vua ưng chuẩn
Kể từ rày về sau
An Nam sẽ cống triều
Dâng thêm nhiều sản vật
Đồi mồi và châu báu
Sừng tê giác, ngà voi
Coi như để miễn trừ
Các khoản về thầy thuốc
Về Nho sĩ, thợ thuyền...”
Vua nhà Nguyên chấp thuận
Với điều kiện kèm theo
Một: Nhà vua phải sang chầu
Hai: Gởi người làm con tin(5)
Ba: Biên sổ dân sang nộp
Bốn: Phải chịu nộp thuế má
Năm: Phải chịu việc binh dịch
Sáu: Vẫn đặt quan giám sát.
Sáu điều kiện trên đây
Khiến Thánh Tông khó nghĩ
Vua lần lữa cho qua...
Và, đến năm tân mùi
Nghìn hai trăm bảy mốt(6)
Hốt Tất Liệt bên Tàu
Sai sứ sang Đại Việt
Dụ Thánh Tông về chầu
Nhà vua Trần Thánh Tông
Lấy cớ mình có bệnh
Cứ vậy, ngài không đi!
Sau một năm kéo dài
Nghìn hai trăm bảy hai
Nguyên chủ sai sứ thần
Sang nước Đại Việt ta
Tìm cột đồng Mã Viện(7)
Vua Trần cử người đi
Nói với Nguyên chủ rằng:
“Cột đồng ấy ở đâu
Có còn hay đã mất
Năm tháng ròng qua lâu
Chẳng biết đâu mà tìm!”
Sự việc ấy chìm tăm.
Rồi tới năm ất hợi
Nghìn hai trăm bảy lăm(8)
Thánh Tông sai sứ thần
Sang Tàu, vào gặp vua:
Nói với vua Nguyên rằng:
“Đại Việt nước Nam tôi
Đâu phải nước Mường Mán(9)
Mà đặt quan giám trị?
Xin đổi quan Chưởng ấn
Làm quan Dẫn tiến sứ
Chẳng hợp lẽ hơn ư?”
Vua Tàu không ưng thuận
Sáu điều kiện giữ nguyên
Thánh Tông cũng kiên quyết
Chẳng khiếp sợ vua Tàu.
Dụng mưu hoài không được
Vua Tàu bèn ra tay
Sai quan ở biên thùy
Sang nước Đại Việt ta
Dò la từng địa thế...
Bên An Nam cũng thế
Sắp đặt quan phòng bị
Sẵn sàng khi ứng phó...

Buồn thay, năm đinh sửu
Nghìn hai trăm bảy bảy(10)
Thái Thượng Hoàng khuất núi
Ngay tại phủ Thiên Trường
Nơi thôn làng Tức Mạc
Ngài cỡi hạc về trời!
Thời qua đến năm sau
Nghìn hai trăm bảy tám(11)
Vua Thánh Tông nhường ngôi
Lui về phủ Thiên Trường
Theo đường lối vua cha
Ở ngôi Thái Thượng Hoàng
Giúp con mình trị nước.

Vua Thánh Tông hiền từ
Trị vì hăm mốt(12) năm;
Mười ba năm sau cuối
Ở ngôi Thái Thượng Hoàng
Ngài vẫn rất toàn tâm
Một lòng vì non nước
Với năm mốt(13) tuổi đời!!

Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm bảy hai: 1272
(2)          Tư nghiệp: hiệu trưởng một trường học
(3)          Các khoản cống lễ này do vua Nguyên lúc bấy giờ buộc triều đình nước ta phải nộp, với thâm ý chiếm lấy những kỹ thuật của người An Nam.
(4)          Nghìn hai trăm sáu sáu: 1266
(5)          Con tin: tất nhiên, người làm con tin phải là con, em của vua Trần
(6)          Nghìn hai trăm bảy mốt: 1271
(7)          Có một tương truyền: cột đồng do Mã viện(thời nhà Hán) đã sai người dựng lên, để đánh dấu giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc, cùng với câu nói nghĩa rằng: “cột đồng còn Giao Chỉ còn cột đồng gẫy Giao Chỉ mất”; nhưng chưa có ai tìm ra được cột đồng đó ở đâu.
(8)          Nghìn hai trăm bảy lăm: 1275
(9)          Mường Mán: chỉ những sắc dân ở vùng biên giới phía bắc Đại Việt
(10)        Nghìn hai trăm bảy bảy: 1277
(11)        Nghìn hai trăm bảy tám: 1278
(12)        Hăm mốt: hai mươi mốt
(13)        Năm mốt: năm mươi mốt

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN NHÂN TÔNG




VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁI TÔNG(tt2)




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


11/ QUÂN MÔNG CỔ XÂM PHẠM ĐẤT AN NAM:
Bấy giờ ở phương bắc
Thượng lưu Hắc Long Giang(1)
Có tộc người Mông Cổ
Giỏi cưỡi ngựa, bắn tên
Quân đội họ mạnh lên
Nhờ kỵ binh thông thạo
Nhờ vào Thiết Mộc Chân(2)
Đó là Nguyên Thái Tổ
Một vị vua lẫy lừng
Không ngừng gieo chinh chiến
Sải vó ngựa đi xa
Từ miền trung châu Á
Tới đông bắc châu Âu
Tới Ba Tư giàu đẹp
Rồi về đánh nước Kim
Tiến chiếm cả Triều Tiên
Yên ngựa quên ngơi nghỉ...
Thiết Mộc Chân khuất núi
Truyền ngôi lại cho con
Con truyền lại cho cháu
Đến thời vua Mông Kha(3)
Kha sai em trai mình
Tên là Hốt Tất Liệt
Đem binh đánh nước Tàu.
Trong chiến cuộc ngày ấy
Tất Liệt đã cử đi
Một cánh quân Mông Cổ
Tiến chiếm đất Vân Nam;(4)
Cầm đầu cánh quân đó
Là Ngột Lương Hợp Thai
Ông này tới Vân Nam
Sai sứ sang Đại Việt
Chiêu dụ Trần Thái Tông
Muốn Thái Tông thần phục
Về với vua Mông Cổ;
Trần Thái Tông tức giận
Cho bắt giam sứ thần
Rồi sai Trần Quốc Tuấn
Đem quân lên đất bắc
Lo giữ chắc sơn hà
Đó là  năm đinh tỵ
Nghìn hai trăm năm bảy.(5)
Tướng Ngột Lương Hợp Thai
Kéo quân qua Đại Việt
Theo dòng sông Thao Giang(6)
Xuống đánh Thăng Long thành;
Trần Quốc Tuấn ít quân
Đánh không lại bọn chúng
Lui dần về Sơn Tây;
Quân Mông Cổ tràn tới
Mãi tận cuối sông Thao;
Sợ quân mình nao núng
Vua ngự giá thân chinh
Dẫn binh lên cự địch
Thế giặc như chẻ tre
Quân ta không chặn được
Thái Tông phải lùi binh
Xuống tận sông Hồng Hà
Vua đóng quân ở đấy;
Quân nhà Nguyên tiến lên
Đánh đuổi quân nhà Trần
Quân nhà Trần vẫn thua
Lui xuống Đông Bộ Đầu(7)
Thế giặc như dầu sôi
Vua, tôi bỏ kinh thành
Chạy về sông Thiên Mạc.(8)
Quân Nguyên vào Thăng Long
Thấy ba người sứ giả(9)
Bị trói, giam trong ngục
Có một người đã chết;
Tướng Ngột Lương Hợp Thai
Sai quân đi chém giết
Bất kể trẻ hay già
Dù nam, phụ, lão, ấu;
Chúng chẳng cần chừa ai
Khắp các nơi trong thành
Tanh mùi máu An Nam.
Tình thế quá nguy nan
Vua Thái Tông ngự thuyền
Đi tìm quan Thái úy
Là ông Trần Nhật Hiệu
Nhật Hiệu không nói gì
Cầm sào viết xuống nước
Có hai chữ mà thôi
Chữ viết rằng: Nhập Tống;(10)
Vua đi tìm Thủ Độ
Muốn hỏi kế ông này
Trần Thủ Độ nói ngay:
“Này, đầu tôi chưa rơi
Thời tôi xin bệ hạ
Đừng quá lo như thế!(11)”
Trước lời nói cứng cỏi
Từ vị Thái sư già
Nhà vua đã bình tâm.
Thời gian ngâm mấy tháng
Quân nhà Nguyên phạc phờ
Họ không quen thủy thổ
Ở xứ lạ quê người
Cả đoàn quân mệt mỏi;
Chớp lấy cơ hội này
Thái Tông bèn tiến binh
Đánh lên Đông Bộ Đầu;
Quân nhà Nguyên thua chạy
Vừa tới trại Quy Hóa
Bị thổ dân đánh chặn(12)
Bọn chúng lại thua to
Nhắm Vân Nam mà xéo!

Thế rồi, chuyện xảy ra
Nhà Tống ở bên Tàu
Tới ngày bị diệt vong
Cả cơ nghiệp nhà Tống
Rơi vào tay nhà Nguyên;
Vua Nguyên lúc bấy giờ
Chính là Nguyên Thế Tổ(13)
Đã dứt điểm nhà Tống
Chiếm trọn cả nước Tàu
Liền cử ngay sứ giả
Đòi vua ta triều cống
Đòi vua ta sang chầu;
Là vua một nước nhỏ
Trước quốc gia sừng sỏ
Thái Tông phải hòa hoãn
Vua sai Lê Phụ Trần
Sang Tàu làm thuyết khách
Hai bên thỏa thuận rằng:
Đại Việt sẽ triều cống
Mỗi ba năm, một lần.

Mùa xuân năm mậu ngọ
Nghìn hai trăm năm tám(14)
Thái Tông nhường ngôi vua
Cho con là Trần Hoẳng;
Lui hẳn về phía sau
Ngài làm Thái Thượng Hoàng
Dạy bảo con mọi lẽ
Dạy đường lối làm vua
Và cũng để phòng ngừa
Việc tranh giành ngôi báu
Giữa con, cháu hoàng gia.

Trần Thái Tông qua đời
Độ tuổi tròn sáu mươi
Làm vua nước Đại Việt
Ba mươi ba năm ròng
Một lòng vì nước non
Mười chín năm sau cuối
Ở ngôi Thái Thượng Hoàng
Cũng là vì nước non!
Chú thích:
(1)          Hắc Long Giang: tên một con sông ở phía bắc nước Tàu
(2)          Thiết Mộc Chân: miếu hiệu là Nguyên Thái Tổ, còn có tên gọi là Thành Cát Tư Hãn, vua Mông Cổ
(3)          Mông Kha: hiệu là Nguyên Hiến Tông, cháu nội người em trai của Thiết Mộc Chân
(4)          Đất Vân Nam: gần với biên giới nước Đại Việt, thời bấy giờ được  gọi là nước Đại Lý
(5)          Nghìn hai trăm năm bảy: 1257
(6)          Sông Thao Giang: thuộc tỉnh Hưng Hóa
(7)          Đông Bộ Đầu: một bến sông ở phía đông sông Nhị Hà, thuộc địa hạt huyện Thượng Phúc
(8)          Sông Thiên Mạc: thuộc về địa hạt huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên
(9)          Ba sứ giả: ba sứ giả do Ngột Lương Hợp Thai cử đi chiêu dụ vua Trần Thái Tông, bị vua Thái Tông tống giam
(10)        Nhập Tống: ý muốn nói theo vua Tống
(11)        Câu nói chắc nịch của Trần Thủ Độ: “Đầu tôi còn chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”
(12)        Thổ dân đánh chặn: chuyện này do chủ trại Quy Hóa(ở Lào Cai, Yên Bái), ông tên là Hà Bổng(người Tày), đã chủ động chiêu tập thổ dân đón đánh quân Mông Cổ, chứ không phải do lệnh nhà vua, nói lên tinh thần mạnh mẽ chống ngoại xâm của người Việt.
(13)        Nguyên Thế Tổ: là em của Mông Kha, tên là Hốt Tất Liệt; Hốt Tất Liệt lên làm vua Mông Cổ sau khi Mông Kha chết. Hốt Tất Liệt chính là người đã đánh dẹp nhà Tống, thâu tóm toàn bộ nước Tàu.
(14)        Nghìn hai trăm năm tám: 1258

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁNH TÔNG




VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁI TÔNG(tt1)




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ

3/ VIỆC CAI TRỊ:
Vẫn theo phép nhà Lý
Việc cai quản dân làng
Xã quan phải nắm rõ
Làng có bao nhiêu người:
Từ quan văn, quan võ
Từ viên chức thư lại
Đến những người đi lính
Người độ tuổi hoàng nam
Cho đến những người già
Kể cả người tàn tật
Kể cả người ngụ cư
Tất thảy ghi vào sổ
Gọi là sổ “trường tịch”.
Lịch sử nước Nam ta
Chép ra một trang mới
Với chính sách bấy giờ
Ai người nam giới bình dân
Được ghi chép cùng phân thứ hạng:
Những chàng trai mười tám-đôi mươi
Được xếp vào tiểu hoàng nam một hạng;
Đại hoàng nam, thứ hạng tiếp theo
Gồm tuổi đôi mươi đến sáu mươi;
Đàn ông trên độ tuổi sáu mươi
Các vị ấy thuộc về lão hạng.
Phân hạng ra như thế
Dễ dàng thuận lợi hơn
Trong quản lý nhân khẩu
Trong công việc thuế má
Và trong việc quân binh
khi non nước chiến chinh
dễ bề tuyển lính tráng.
Ai có được chức quan
Người con được thừa ấm
Sau cũng sẽ làm quan;
Còn những kẻ dân thường
Dẫu rằng họ giàu sang
Cũng phải đi quân dịch!
Tháng tám năm mậu tý
Nghìn hai trăm hăm tám(1)
Vua Thái Tông giáng chỉ
Cử người vào Thanh Hóa
Ghi chép lại trường tịch
Theo như lệ nhà Lý.
Tháng hai, năm nhâm dần
Nghìn hai trăm bốn hai(2)
Vua Thái Tông ra lệnh
Phân chia lại lãnh thổ
Làm thành mười hai lộ
Quan trông coi mỗi lộ
Gọi là An phủ sứ
Dưới quyền An phủ sứ
Chánh-phó có hai người;
Dưới nữa, có các quan
Tiểu và đại tư xã(3)
Những vị quan chức này
Cai quản hai, ba xã
Cũng có những vị quan
Phải trông coi bốn xã
Mỗi xã có xã quan
Gọi là Chánh sử giám...
Mười hai lộ cả thảy
Lộ nào như lộ nấy
Đều có quyển sổ riêng
Đấy là sổ dân tịch.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm hăm tám: 1228
(2)          Nghìn hai trăm bốn hai: 1242
(3)          Tiểu tư xã: quan có hàm lục phẩm trở xuống; đại tư xã: quan có hàm ngũ phẩm trở lên

4/ VIỆC THUẾ MÁ:
Dựa vào sổ dân tịch
Triều đình thuận lợi hơn
Trong công việc thuế má
Thuế chia ra nhiều hạng
Thứ nhất phải kể thuế thân
Người nào có ruộng phải đóng thuế thân
Mỗi năm thu thuế một lần:
Có một-hai mẫu, chỉ đóng một quan;
Ba-bốn mẫu, đóng hai quan;
Người 5 mẫu, người trên 5 mẫu
Họ đều đóng thuế với ba quan tiền.(1)
Hai là thuế ruộng, thuế điền
Chẳng thu bằng tiền, cứ thóc mà thu
Một mẫu ruộng, thu một trăm thăng(2) thóc
Đó là đối với ruộng dân
Ruộng công(3), mức thuế có phần thấp hơn...
Ngoài thuế đất, thuế ruộng trồng lúa
Còn là những loại kể sau:
Thuế đánh vào ruộng ao, ruộng muối
Thuế trầu cau, thuế hương yên tức(4)
Thuế hoa quả, thuế cá, thuế tôm...
Người thu lợi phải tròn nghĩa vụ
Lệnh vua ban xuống rõ ràng.
Nhà nước đúc tiền vàng
Và chia thành phân, lượng
Có đóng mộc lưu hành
Thuận tiện trong mua bán!
Chú thích:
(1)          Quan tiền: thời đó tiền được đúc bằng vàng bạc. Trao đổi giữa người dân với nhau thì một quan tiền ăn 69 đồng, còn người dân nộp thuế cho vua quan thì 1 quan tiền là 70 đồng. Vàng bạc cũng được trao đổi dưới dạng đã đúc sẵn thành phân, lượng có hiệu nhà nước.
(2)          Thăng: ngày xưa dân ta thường đo lường thóc lúa bằng các đơn vị như thưng(thăng), giạ; có nhiều tài liệu ghi chép lại không thống nhất với nhau, nhưng tựu chung có thể nói một cách khái quát rằng: 1 thăng tương đương với 3 lít thóc.
(3) Ruộng công: đời nhà Trần có hai thứ ruộng công, phân chia theo thứ hạng như sau:
1. Ruộng quốc khố phải nộp thuế theo 3 thứ hạng: hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế 6 thạch tức là 80 thăng thóc; hạng nhì mỗi mẫu 4 thạch(tương đương 53,3 thăng); hạng 3 mỗi mẫu 3 thạch(40 thăng).
2. Thác điền: hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế một thạch thóc; hạng nhì ba mẫu lấy một thạch, hạng ba, bốn mẫu lấy một thạch.(Thạch: tương đương 278,3 lít thóc, hay 150kg gạo)
(4) Hương yên tức: nhựa của cây cánh kiến trắng

5/ VIỆC ĐẮP ĐÊ:
Qua nhiều mùa mưa lũ
Làm ngập lụt ruộng đồng
Gây thiệt hại cho dân
Năm ấy, năm mậu thân
Nghìn hai trăm bốn bốn(1)
Muốn tránh nạn ngập lụt
Vua sai các quan chức
Khởi sự việc đắp đê
Ven bờ sông Hồng Hà
Và đặt quan trông coi
Gọi là Hà đê sứ;
Đê đắp vào ruộng dân
Chủ ruộng được bồi thường
Căn cứ theo giá ruộng
Nhà nước đền cho dân.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm bốn bốn: 1244

6/ VIỆC HỌC HÀNH:
Tháng hai, năm nhâm thìn
Nghìn hai trăm băm hai(1)
Lần đầu tiên mở hội
Hội thi Thái học sinh(2)
Vua Trần chọn Tiến sĩ
Xếp hạng nhất, nhì, ba
Hễ ai đỗ hàng đầu
Gọi là đệ nhất giáp;
Hai là đệ nhị giáp;
Ba là đệ tam giáp.
Khoa thi năm đinh vị
Nghìn hai trăm bốn bảy(3)
Lại đặt ra tam khôi
Chỉ chọn lấy ba người:
Đứng nhất là trạng nguyên
Đứng nhì là bảng nhãn
Thứ ba là thám hoa;
Đỗ bảng nhãn năm đó
Chính là Lê Văn Hưu
Người đầu tiên chép sử
Của nước Việt Nam ta.
Và cũng trong năm này
Có khoa thi Tam giáo(4)
Dành cho người tu tập
Mở rộng đường học vấn.
Rồi đến năm quý sửu
Nghìn hai trăm năm ba(5)
Quốc học viện ra đời
Dạy tứ thư ngũ kinh
Có cả giảng võ đường
Cho người ham học võ.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm băm hai: 1232
(2)          Thái học sinh: thi Tiến sĩ
(3)          Nghìn hai trăm bốn bảy: 1247
(4)          Tam giáo: Nho giáo, Thích giáo, và Lão giáo
(5)          Nghìn hai trăm năm ba: 1253

7/VIỆC PHÁP LUẬT:
Tháng Ba năm canh dần
Nghìn hai trăm ba mươi(1)
Vua Thái Tông giáng chỉ
Cải tổ lại luật pháp
Bộ luật mới ra đời
Là “Quốc triều hình luật”
Gồm có hai mươi quyển
(Nay nó đã thất truyền;);
Lần thứ hai cải tổ
Vào một năm giáp thìn
Nghìn hai trăm bốn bốn(2)
Sách “Lịch triều hiến chương(3)
Có đoạn chép thế này:
Người phạm tội trộm cắp
Phải chặt chân, chặt tay
Hoặc, để cho voi dày...
Luật ngày xưa như vậy
Ta có thể hình dung
Những tội hình thời ấy
Nghiêm ngặt hơn bây giờ!
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm ba mươi: 1230
(2)          Nghìn hai trăm bốn bốn: 1244
(3)          Lịch triều hiến chương: của Phan Huy Chú

8/QUAN CHẾ:
Đời vua Trần Thái Tông
Toàn hệ thống quan chế
Được vua cho cải tổ
Sắp xếp lại như sau:
Văn đại thần gồm Tam công, Tam thiếu và Thái úy
Quý quan bên võ gồm Tư mã, Tư đồ và Tư không
Riêng Tể tướng, đã có mấy loại chức danh tên gọi
Này: Tả hữu Tướng quốc, này: Thủ tướng, này: Tham tri;
Ngoài các đại thần, triều đình cũng còn nhiều chức quan khác nữa(*);
Quan ở mỗi địa phương gồm có:
An phủ sứ, Tri phủ, Thông phán, và Thiêm phán,... đó chính là các bậc quan văn;
Kinh lược sứ, Phòng ngự sứ, Thủ ngự sứ, Quan sát sứ
Cùng với Đô hộ, Đô thống, và Tổng quản,... đấy  là các chức danh quan võ.
Lệnh vua ban xuống rõ ràng:
Mười năm đằng đẵng làm quan
Tất sẽ thăng hàm cho kẻ có công
Thăng lên một chức, cần mười lăm năm
Chú thích:
(*)Dưới các quan đại thần, trong triều đình còn có các quan văn là: Thượng thư các bộ, Tả hữu tham tri, Tả hữu gián nghị, Trung thư thị lang, Thị lang các bộ, Tả hữu ty lang trung, Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tướng...; các quan võ là: Phiêu kỵ thượng tướng quân, Cấm vệ thượng tướng quân, Kim ngô đại tướng quân, Võ vệ đại tướng quân, Phó đô tướng quân,...

9/BINH CHẾ:
Trần Thái Tông làm vua
Chú trọng việc binh lính
Chỉnh đốn qua từng ngày
Những ai là trai tráng
Họ đều phải tòng quân;
Quyền mộ tập quân lính
Trao cho cả thân vương
Nhờ chính sách cởi mở
Quân lính ngày một tăng
Giúp nhà vua giữ nước.
Nước Đại Việt bấy giờ
Bắc có quân Mông Cổ
Nam có quân Chiêm Thành
Thường xuyên sang quấy phá
Nước ta luôn sẵn sàng
Trong tay Trần Thái Tông
Hơn hai mươi vạn lính
Vua, tôi cùng đánh giặc!

10/VIỆC ĐÁNH CHIÊM THÀNH:
Theo tiền lệ thời Lý
Nhà vua nước Chiêm Thành
Vẫn triều cống nước ta
Mà lòng vua chẳng phục
Muốn đòi lại đất cũ(1)
Từ tay Trần Thái Tông;
Bọn binh lính Chiêm Thành
Thường kéo sang Đại Việt
Quấy nhiễu miệt biên cương;
Vua Thái Tông giận lắm
Sửa soạn đánh nước Chiêm.
Năm đó, năm nhâm tý
Nghìn hai trăm năm hai(2)
Vua Thái Tông ngự giá
Đem binh đánh Chiêm Thành
Bắt được nhiều quân dân
Trong số quân dân đó
Có nàng Bố-gia-la:
Vợ của vua Chiêm Thành!
Chú thích:
(1)          Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh dẹp giặc Chiêm Thành bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ; Chế Củ cắt đất xin hàng, gồm ba châu: Địa Lý, Bố Chính Và Ma Linh.
(2)          Nghìn hai trăm năm hai: 1252

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁI TÔNG(tt2)