Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁNH TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


II- TRẦN THÁNH TÔNG(1258-1278):
1/ VIỆC CHÍNH TRỊ:
Thái tử Hoẳng làm vua
Kế nghiệp của cha chàng
Xưng là Trần Thánh Tông;
Trần Thánh Tông nhân từ
Vua nói với anh, em:
“Thiên hạ của chúng mình
Tổ tiên mình để lại
Anh, em mình hưởng chung!”
Bụng dạ nghĩ thế nào
Chàng làm như thế nấy
Hễ có dịp xum vầy
Các hoàng thân vào điện
Cùng vua ăn một mâm
Cùng vua nằm một giường
Thân ái biết nhường bao!
Khi ở trong công việc
Hay là trong buổi chầu
Đâu vào đấy phân minh
Các hoàng thân quốc thích
Giữ tôn ty trật tự
Trọn lễ nghĩa vua, tôi;
Hăm mốt năm trị vì
Giang sơn không giặc giã
Xã tắc được thanh bình
Bởi vua luôn tận tụy
Lo trị quốc yên dân
Mở mang đường học vấn.
Tháng mười năm nhâm thân
Nghìn hai trăm bảy hai(1)
Vua Thánh Tông giáng chỉ
Tìm chọn người tài đức
Chọn lấy người Tư nghiệp(2)
Điều hành Quốc tử giám;
Hoàng đệ của Thánh Tông
Là ông Trần Ích Tắc
Một người rất tài hoa
Vốn học rộng, biết nhiều
Được nhà vua khuyến khích
Mở học đường chiêu sinh
Ai đã là văn sĩ
Muốn trau dồi tài năng
Muốn nâng cao tầm nhìn
Học đường luôn đón nhận;
Chính ông Mạc Đĩnh Chi
Từng là trong số ấy
Nhờ đấy mà thành danh
Rồi ra giúp cho đời...

Thời vua Trần Thánh Tông
Cũng năm nhâm thân đó
Nghìn hai trăm bảy hai
Bộ Quốc sử Đại Việt
Gồm có ba mươi quyển
Là bộ sử đầu tiên
Cho người dân đất Việt
Nay đã được viết xong;
Công việc chép sử này
Khởi từ thời vua trước
Là vua Trần Thái Tông;
Chính ông Lê Văn Hưu
Dốc toàn tâm ghi chép
Chuyện diễn biến thế nào
Kể từ “Triệu Vũ Vương”
Đến thời “Lý Chiêu Hoàng”
Tất cả được soi xét
Chép lại cho đời sau.

Để có thêm hoa màu
Đề phòng nạn đói kém
Nhà vua Trần Thánh Tông
Lệnh cho các vương hầu
Lệnh cho các phò mã:
Chiêu tập người tha hương
Và những ai nghèo đói
Ai thiếu đất cấy cày
Đi khai khẩn đất hoang;
Các vương hầu, phò mã
Theo lệnh vua đã truyền
Họ tổ chức khai hoang
Lập nên các trang điền
Tạo công việc cho dân
Tăng dần thêm hoa lợi.

2/ SỰ GIAO THIỆP VỚI MÔNG CỔ:
Nhà vua Nguyên Thế Tổ
Vua Mông Cổ thời đó
Đã có cả nước Tàu
Ngài muốn cả An Nam
Song, nước Tàu chưa ổn
Chưa dám động can qua.

Vài ba năm, một lần
Vua Nguyên sai sứ giả
Qua sách nhiễu nước ta
Đòi vua ta về chầu
Nhưng vua Trần lần lữa
Chẳng chịu chầu vua Nguyên
Ngài sai sứ qua Tàu
Thay mặt ngài triều cống.
Khi Thánh Tông lên ngôi
Nhà vua Nguyên Thế Tổ
Cử người sang Đại Việt
Phong vương cho vua Trần
Còn đặt ra thông lệ:
Cứ ba năm một lần
Vua Trần phải triều cống.
Muốn tránh khỏi can qua
Thánh Tông đành bấm bụng
Chừng ba năm, một lần
Cho người đi nộp cống
Lễ cống gồm như sau:
Thầy thuốc cùng nho sĩ
Thầy bói và thợ thuyền
Thêm cả thầy toán số
Mỗi hạng, lấy ba người(3)
Cùng với các sản vật
Sừng tê giác, ngà voi
Đồi mồi và châu báu...
Lòng tham lam đau đáu
Muốn An Nam về mình
Vua Nguyên bèn giáng chỉ
Đặt ra quan Chưởng ấn
Là người bên Mông Cổ
Ở lại đất An Nam
Có nhiệm vụ trông chừng
Mà liệu đường thôn tính.

Vua Thánh Tông biết vậy
Âm thầm tuyển mộ binh
Từ đinh tráng các lộ
Cho bổ sung quân ngũ
Và phân chia như sau:
Mỗi quân ba mươi đô
Mỗi đô tám mươi người
Người người trong hàng ngũ
Phải luyện tập chuyên cần.

Năm ấy, năm bính dần
Nghìn hai trăm sáu sáu(4)
Nhà Nguyên sai sứ qua
Vua ta thời đáp lễ
Cử sứ giả sang Tàu
Sứ giả gặp vua Nguyên
Thuyết phục vua thế này:
“Xin nhà vua ưng chuẩn
Kể từ rày về sau
An Nam sẽ cống triều
Dâng thêm nhiều sản vật
Đồi mồi và châu báu
Sừng tê giác, ngà voi
Coi như để miễn trừ
Các khoản về thầy thuốc
Về Nho sĩ, thợ thuyền...”
Vua nhà Nguyên chấp thuận
Với điều kiện kèm theo
Một: Nhà vua phải sang chầu
Hai: Gởi người làm con tin(5)
Ba: Biên sổ dân sang nộp
Bốn: Phải chịu nộp thuế má
Năm: Phải chịu việc binh dịch
Sáu: Vẫn đặt quan giám sát.
Sáu điều kiện trên đây
Khiến Thánh Tông khó nghĩ
Vua lần lữa cho qua...
Và, đến năm tân mùi
Nghìn hai trăm bảy mốt(6)
Hốt Tất Liệt bên Tàu
Sai sứ sang Đại Việt
Dụ Thánh Tông về chầu
Nhà vua Trần Thánh Tông
Lấy cớ mình có bệnh
Cứ vậy, ngài không đi!
Sau một năm kéo dài
Nghìn hai trăm bảy hai
Nguyên chủ sai sứ thần
Sang nước Đại Việt ta
Tìm cột đồng Mã Viện(7)
Vua Trần cử người đi
Nói với Nguyên chủ rằng:
“Cột đồng ấy ở đâu
Có còn hay đã mất
Năm tháng ròng qua lâu
Chẳng biết đâu mà tìm!”
Sự việc ấy chìm tăm.
Rồi tới năm ất hợi
Nghìn hai trăm bảy lăm(8)
Thánh Tông sai sứ thần
Sang Tàu, vào gặp vua:
Nói với vua Nguyên rằng:
“Đại Việt nước Nam tôi
Đâu phải nước Mường Mán(9)
Mà đặt quan giám trị?
Xin đổi quan Chưởng ấn
Làm quan Dẫn tiến sứ
Chẳng hợp lẽ hơn ư?”
Vua Tàu không ưng thuận
Sáu điều kiện giữ nguyên
Thánh Tông cũng kiên quyết
Chẳng khiếp sợ vua Tàu.
Dụng mưu hoài không được
Vua Tàu bèn ra tay
Sai quan ở biên thùy
Sang nước Đại Việt ta
Dò la từng địa thế...
Bên An Nam cũng thế
Sắp đặt quan phòng bị
Sẵn sàng khi ứng phó...

Buồn thay, năm đinh sửu
Nghìn hai trăm bảy bảy(10)
Thái Thượng Hoàng khuất núi
Ngay tại phủ Thiên Trường
Nơi thôn làng Tức Mạc
Ngài cỡi hạc về trời!
Thời qua đến năm sau
Nghìn hai trăm bảy tám(11)
Vua Thánh Tông nhường ngôi
Lui về phủ Thiên Trường
Theo đường lối vua cha
Ở ngôi Thái Thượng Hoàng
Giúp con mình trị nước.

Vua Thánh Tông hiền từ
Trị vì hăm mốt(12) năm;
Mười ba năm sau cuối
Ở ngôi Thái Thượng Hoàng
Ngài vẫn rất toàn tâm
Một lòng vì non nước
Với năm mốt(13) tuổi đời!!

Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm bảy hai: 1272
(2)          Tư nghiệp: hiệu trưởng một trường học
(3)          Các khoản cống lễ này do vua Nguyên lúc bấy giờ buộc triều đình nước ta phải nộp, với thâm ý chiếm lấy những kỹ thuật của người An Nam.
(4)          Nghìn hai trăm sáu sáu: 1266
(5)          Con tin: tất nhiên, người làm con tin phải là con, em của vua Trần
(6)          Nghìn hai trăm bảy mốt: 1271
(7)          Có một tương truyền: cột đồng do Mã viện(thời nhà Hán) đã sai người dựng lên, để đánh dấu giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc, cùng với câu nói nghĩa rằng: “cột đồng còn Giao Chỉ còn cột đồng gẫy Giao Chỉ mất”; nhưng chưa có ai tìm ra được cột đồng đó ở đâu.
(8)          Nghìn hai trăm bảy lăm: 1275
(9)          Mường Mán: chỉ những sắc dân ở vùng biên giới phía bắc Đại Việt
(10)        Nghìn hai trăm bảy bảy: 1277
(11)        Nghìn hai trăm bảy tám: 1278
(12)        Hăm mốt: hai mươi mốt
(13)        Năm mốt: năm mươi mốt

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN NHÂN TÔNG




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét