Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ CHIÊU HOÀNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


IX- LÝ CHIÊU HOÀNG(1224-1225):
Lý Chiêu Thánh công chúa
Được tôn lên làm vua
Tức là vua Chiêu Hoàng
Nàng nhỏ bé ngây thơ
Tất cả mọi quyền hành
Ở trong tay Thủ Độ;
Thủ Độ có tư thông
Cùng với Trần Thái hậu
Ông ngày đêm tính toan
Lấy cơ nghiệp nhà Lý;
Để thực thi ý mình
Ông cho đòi các quan
Đem con vào cung điện
Hầu hạ vua Chiêu Hoàng
Rồi nhân vì cớ ấy
Đưa Trần Cảnh(1) vào cung
Giao cho chức Chính thủ.
Tháng chạp năm giáp thân
Nghìn hai trăm hăm bốn
Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh
Và truyền ngôi cho chồng;
Cơ nghiệp của nhà Lý
Kể ra cũng khá dài
Hai trăm mười sáu năm
Truyền ngôi qua chín đời
Đã qua rồi thời thịnh
Từ đời vua Cao Tông
Bởi rong chơi lạc thú
Làm đất nước suy đồi
Rồi lại đến Huệ Tông
Thích say sưa chè chén
Để đến nỗi dại điên
Đem giang sơn đất nước
Trao vào tay con trẻ
Tội nghiệp cho Chiêu Thánh
Mới bảy, tám tuổi đầu
Nàng đã hiểu gì đâu
Cuộc hôn nhân của nàng
Đầy mưu toan chính trị!
Chú thích:
(1)  Trần Cảnh: là cháu của Trần Thủ Độ



VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ HUỆ TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


VIII- LÝ HUỆ TÔNG(1211-1225):
1/ TRẦN THỊ:
Vua Cao Tông khuất núi
Thái tử Sam nối ngôi
Lên trị vì đất nước
Tức là vua Huệ Tông;
Nhà vua Lý Huệ Tông
Sai người đi Hải Ấp
Rước Trần thị về cung
Vua phong tặng cho nàng
Làm Nguyên phi từ đấy.
Trần Lý, cha Trần thị
Đã bị cướp giết đi
Người con thứ trong nhà
Tên là Trần Tự Khánh
Lại được chúng theo phục
Về đầu quân dưới trướng;
Em làm Nguyên phi rồi
Khánh cũng được phong quan
Tước hiệu: Chương Tín hầu
Tô Trung Từ là cậu
Thì được phong Thái úy.(1)

Tính đến năm quý dậu
Nghìn hai trăm mười ba(2)
Bà Nguyên phi Trần thị
Bị khổ sở trăm chiều
Bởi bàn tay Thái hậu;
Tự Khánh, Chương Tín hầu
Thậm thương người em gái
Liều đem quân về triều
Muốn được rước vua đi;
Vua chẳng hiểu ý tình
Đinh ninh Khánh làm phản
Đem Trần thị giáng bậc
Xuống làm thân Ngự nữ!
Khánh vừa nghe tin dữ
Một mình vào quân môn
Xin nhà vua xá tội
Rồi vội vã tỏ bày
Xin rước vua đi nữa;
Huệ Tông đã nghi ngờ
Bấy giờ càng thêm nghi
Bèn đem theo Thái hậu
Chạy lên tới Lạng châu.(3)
Tự Khánh lại phát binh
Xin rước vua như trước
Nhà vua thấy lo ngại
Đem Thái hậu đi cùng
Về Bình Hợp nương thân;
Qua mấy lần như vậy
Thái hậu thêm khẳng định:
“Khánh có lòng phản trắc!”
Bà xúi giục Huệ Tông
Nên bỏ luôn Trần thị
Vua Huệ Tông không nghe
Hết mực chở che nàng;
Sợ nàng bị hạ độc
Mỗi lần vào bữa ăn
Vua ăn qua một nửa
Nửa kia cho Trần thị
Ngày đêm bảo vệ nàng.
Thái hậu càng cay nghiệt
Càng khiến Huệ Tông lo
Ngài đem theo Trần thị
Một đêm lẻn ra đi
Tìm tướng quân Lê Mịch
Ngụ ở huyện Yên Duyên
Vua vẫn chưa yên lòng
Bèn đi tới Cửu Liên
Gọi Tự Khánh đến chầu.

2/ QUYỀN VỀ HỌ TRẦN:
Trần Tự Khánh phụng chỉ
Đến hộ giá nhà vua
Nhà vua thấy yên lòng
Liền đó ngài tuyên phong:
Bà Nguyên phi họ Trần
Được lên ngôi Hoàng hậu;
Tự Khánh, Chương Tín hầu
Nay lên làm Phụ chính;
Trần Thừa, anh Tự Khánh
Làm Nội thị Phán thủ.
Có đủ quyền trong tay
Tự Khánh lúc bấy giờ
Cùng với ông Phan Lân
Thượng tướng quân trong triều:
Trước, chỉnh đốn quân binh
Chế tạo thêm vũ khí
Sau, luyện tập võ công
Tăng quân thế lên nhiều!

Vua Huệ Tông phải bệnh
Thỉnh thoảng có cơn điên
Ngài rượu say miên trường
Thường ngủ gà ngủ gật
Tất thảy việc trị nước
Trần Tự Khánh phải lo!
Tháng chạp năm quý mùi
Trần Tự Khánh qua đời
Nhà vua Lý Huệ Tông
Phong chức cho Trần Thừa
Làm Phụ quốc Thái úy;
Thế rồi qua năm sau
Người em họ Hoàng hậu
Tên là Trần Thủ Độ
Được nhà vua tuyên phong:
Điện tiền chỉ huy sứ
Kể từ lúc bấy giờ
Mọi việc ở hoàng cung
Đều vào tay Thủ Độ!

Bệnh Huệ Tông chẳng khỏi
Năm này qua năm nọ
Ngài chẳng có con trai
Chỉ có hai con gái:
Cô chị là Thuận Thiên
Cô em là Chiêu Thánh;
Thuận Thiên đã lấy chồng
Chồng nàng là Trần Liễu
Con trưởng của Trần Thừa;
Riêng công chúa Chiêu Thánh(5)
Mới vừa lên bảy tuổi
Được vua cha yêu mến
Lập nên làm Thái tử.
Tháng mười năm giáp thân
Nghìn hai trăm hăm bốn(6)
Nhà vua Lý Huệ Tông
Truyền ngôi cho Chiêu Thánh
Rồi vào ở trong chùa
Ngài làm vua trị nước
Cũng được mười bốn năm!
Chú thích:
(1)  Thái úy: ngoài ra Tô Trung Từ còn được phong tước Thuận Lưu bá
(2)  Nghìn hai trăm mười ba: 1213
(3)  Lạng châu: tỉnh Lạng Sơn ngày nay
(4)  Nghìn hai trăm hăm tám: 1228
(5)  Công chúa Chiêu Thánh: tên gọi là Phật Kim
(6)  Nghìn hai trăm hăm bốn: 1224

VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ CHIÊU HOÀNG



VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ CAO TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


VII- LÝ CAO TÔNG(1176-1210):
1/ TÔ HIẾN THÀNH LÀM PHỤ CHÁNH:
Vua Anh Tông qua đời
Thái tử là Long Cán
Chưa được tròn ba tuổi;
Bà Chiêu Linh Thái hậu
Muốn Long Xưởng(1) làm vua
Bà tìm Tô Hiến Thành
Đem bạc vàng đút lót
Tô Hiến Thành chẳng nhận
Vẫn quyết theo di chiếu
Lập Long Cán làm vua;
Thái tử lên kế vị
Xưng là Lý Cao Tông.
Tô Hiến Thành tận tụy
Giúp Cao Tông trị nước
Không những tài thao lược
Phá được giặc: an dân
Mà còn luôn trung tín
Giữ vẹn chữ: tôi hiền.

Cho tới năm kỷ hợi
Nghìn một trăm bảy chín(2)
Ông giã từ dương gian
Có muôn vàn thương tiếc!
Trước khi ông qua đời
Đỗ Thái hậu đến thăm
Hỏi những lời sau cuối:
“Ai có thể thay ông?”
Với tấm lòng trung trực
Tô Hiến Thành liền tâu:
“Có ông Trần Trung Tá
Quan Gián nghị đại phu!”
Lời Hiến Thành vừa dứt
Đỗ Thái hậu ngạc nhiên
Lại hỏi Tô Hiến Thành:
“Người thân cận của ông
Sao ông không tiến cử
Mà tiến cử người này?”
Tô Hiến Thành khẳng định
Trần Trung Tá có tài
Sẽ giúp vua trị nước!

Mất đi Tô Hiến Thành
Đình thần đã chóng quên
Chẳng theo lời ông dặn
Họ chọn Đỗ Yên Di
Đóng vai trò Phụ chính
Và ông Lý Kính Tu
Làm Đế sư(3) trong triều.

Khi Cao Tông lớn khôn
Lên cầm quyền trị nước
Vua mải miết chơi bời
Rồi săn bắn liên miên
Rồi làm cung xây điện
Bắt nhân dân phục dịch
Họ kiệt quệ lầm than.
Ngoài biên cương, giặc giã:
Từ phía bắc, nước Tàu
Quân mường thổ kéo sang
Chúng thường xuyên quấy nhiễu
Từ phía nam, “Chiêm Thành
Đêm ngày, giặc đánh phá;
Nơi nơi khắp sơn hà
Trộm cướp như ong dấy
Triều đình chẳng người lo
Vua, bỏ bê chính trị
Tôi, mua quan bán tước
Rồi ức hiếp người dân
Vơ vét cho đầy túi...
Thật nhớ tới người xưa
Phụ chánh Tô Hiến Thành
Đã dặn dò phút cuối
Đỗ Thái hậu không nghe
Ra nông nỗi thế này
Chẳng phải tiếc lắm ru?

2/ SỰ NỘI LOẠN:
Năm ấy năm bính thìn
Nghìn hai trăm lẻ tám(4)
Phạm Du nạp quân binh
Cướp phá các thôn làng
Với dã tâm làm phản
Trên vùng đất Nghệ An;
Vua cử quan Phụng ngự
Tên là Phạm Bỉnh Di
Đi đánh quân phản loạn.
Bỉnh Di vào Nghệ An
Dẹp tan bọn giặc cỏ
Đốt bỏ nhà Phạm Du
Tịch thu của cải hắn;
Hắn sai người về kinh
Đút lót quan trong triều
Vu cáo Phạm Bỉnh Di:
Đã giết người vô tội;
Du cũng xin vào triều
Để hắn được kêu oan
Cao Tông tin lời hắn
Gọi quan Phụng ngự về;
Ông về triều gặp vua
Vua lệnh cho quân sĩ
Bắt Bỉnh Di tống ngục.
Bộ tướng của Bỉnh Di
Người này tên Quách Bốc
Đốc quân phá cửa thành
Xông vào cứu Bỉnh Di;
Đương khi thành hỗn chiến
Vua sai giết Bỉnh Di
Rồi cùng với Thái tử
Chia hai đàng mà chạy:
Vua chạy lên Quy Hóa(5)
Thái tử Sam cũng chạy
Tìm Hải Ấp(6) mà về.
Bấy giờ ở kinh đô
Quách Bốc cùng thuộc hạ
Tìm vào trong ngục thất
Chỉ thấy xác Bỉnh Di
Họ đem về mai táng;
Ngai vàng còn bỏ ngỏ
Hoàng tử Thẩm ở đó
Họ tôn lên làm vua.

Thái tử Sam lúc ấy
Về Hải Ấp náu nương
Đương ở nhà Trần Lý(7)
Trần thị con Trần Lý
Người con gái đẹp xinh
Khiến Thái tử phải lòng
Chàng cưới nàng làm vợ;
Thái tử Sam hào phóng
Phong tước cho nhạc phụ
Gọi ông là Minh Tự
Người em vợ Trần Lý
Tên là Tô Trung Từ(8)
Được Thái tử phong danh:
Điện tiền Chỉ huy sứ.
Anh em nhà họ Trần
Chiêu mộ thêm binh lính
Họ về kinh dẹp loạn
Rồi thì lên Quy Hóa
Đón Cao Tông về cung
Vua về tới kinh thành
Sai người đi Hải Ấp
Rước Thái tử hồi cung
Nàng Trần thị, vợ chàng
Phải ở lại Lưu Gia.
Vua Cao Tông trở lại
Độ một năm sau đó
Ngài có bệnh trong mình
Tháng mười, năm canh ngọ
Nghìn hai trăm linh mười(9)
Vua giã từ cõi thế
Trị vì băm lăm năm(10)
Thọ ba mươi tám tuổi!
Chú thích:
(1)  Long Xưởng: con trưởng của Lý Anh Tông, con trai của Linh Chiêu Thái hậu
(2)  Nghìn một trăm bảy chín: 1179
(3)  Đế sư: làm thầy giảng dạy cho vua
(4)  Nghìn hai trăm lẻ tám: 1208
(5)  Sông Quy Hóa: sông Thao Giang, ở phía bắc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay
(6)  Hải Ấp: thuộc làng Lưu Gia(Lưu Xá, huyện Hưng Nhân ngày nay)
(7)  Trần Lý: là người làng Tức Mạc(huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ông làm nghề đánh cá, nhà giàu có, nhiều người theo phục; nhân thời buổi đang loạn, ông cũng dẫn quân đi cướp phá quanh vùng.
(8)  Tô Trung Từ: là cậu của Trần thị, người làng Lưu Gia
(9)  Nghìn hai trăm linh mười: 1210
(10)                     Băm lăm năm: 35 năm