Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ CAO TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


VII- LÝ CAO TÔNG(1176-1210):
1/ TÔ HIẾN THÀNH LÀM PHỤ CHÁNH:
Vua Anh Tông qua đời
Thái tử là Long Cán
Chưa được tròn ba tuổi;
Bà Chiêu Linh Thái hậu
Muốn Long Xưởng(1) làm vua
Bà tìm Tô Hiến Thành
Đem bạc vàng đút lót
Tô Hiến Thành chẳng nhận
Vẫn quyết theo di chiếu
Lập Long Cán làm vua;
Thái tử lên kế vị
Xưng là Lý Cao Tông.
Tô Hiến Thành tận tụy
Giúp Cao Tông trị nước
Không những tài thao lược
Phá được giặc: an dân
Mà còn luôn trung tín
Giữ vẹn chữ: tôi hiền.

Cho tới năm kỷ hợi
Nghìn một trăm bảy chín(2)
Ông giã từ dương gian
Có muôn vàn thương tiếc!
Trước khi ông qua đời
Đỗ Thái hậu đến thăm
Hỏi những lời sau cuối:
“Ai có thể thay ông?”
Với tấm lòng trung trực
Tô Hiến Thành liền tâu:
“Có ông Trần Trung Tá
Quan Gián nghị đại phu!”
Lời Hiến Thành vừa dứt
Đỗ Thái hậu ngạc nhiên
Lại hỏi Tô Hiến Thành:
“Người thân cận của ông
Sao ông không tiến cử
Mà tiến cử người này?”
Tô Hiến Thành khẳng định
Trần Trung Tá có tài
Sẽ giúp vua trị nước!

Mất đi Tô Hiến Thành
Đình thần đã chóng quên
Chẳng theo lời ông dặn
Họ chọn Đỗ Yên Di
Đóng vai trò Phụ chính
Và ông Lý Kính Tu
Làm Đế sư(3) trong triều.

Khi Cao Tông lớn khôn
Lên cầm quyền trị nước
Vua mải miết chơi bời
Rồi săn bắn liên miên
Rồi làm cung xây điện
Bắt nhân dân phục dịch
Họ kiệt quệ lầm than.
Ngoài biên cương, giặc giã:
Từ phía bắc, nước Tàu
Quân mường thổ kéo sang
Chúng thường xuyên quấy nhiễu
Từ phía nam, “Chiêm Thành
Đêm ngày, giặc đánh phá;
Nơi nơi khắp sơn hà
Trộm cướp như ong dấy
Triều đình chẳng người lo
Vua, bỏ bê chính trị
Tôi, mua quan bán tước
Rồi ức hiếp người dân
Vơ vét cho đầy túi...
Thật nhớ tới người xưa
Phụ chánh Tô Hiến Thành
Đã dặn dò phút cuối
Đỗ Thái hậu không nghe
Ra nông nỗi thế này
Chẳng phải tiếc lắm ru?

2/ SỰ NỘI LOẠN:
Năm ấy năm bính thìn
Nghìn hai trăm lẻ tám(4)
Phạm Du nạp quân binh
Cướp phá các thôn làng
Với dã tâm làm phản
Trên vùng đất Nghệ An;
Vua cử quan Phụng ngự
Tên là Phạm Bỉnh Di
Đi đánh quân phản loạn.
Bỉnh Di vào Nghệ An
Dẹp tan bọn giặc cỏ
Đốt bỏ nhà Phạm Du
Tịch thu của cải hắn;
Hắn sai người về kinh
Đút lót quan trong triều
Vu cáo Phạm Bỉnh Di:
Đã giết người vô tội;
Du cũng xin vào triều
Để hắn được kêu oan
Cao Tông tin lời hắn
Gọi quan Phụng ngự về;
Ông về triều gặp vua
Vua lệnh cho quân sĩ
Bắt Bỉnh Di tống ngục.
Bộ tướng của Bỉnh Di
Người này tên Quách Bốc
Đốc quân phá cửa thành
Xông vào cứu Bỉnh Di;
Đương khi thành hỗn chiến
Vua sai giết Bỉnh Di
Rồi cùng với Thái tử
Chia hai đàng mà chạy:
Vua chạy lên Quy Hóa(5)
Thái tử Sam cũng chạy
Tìm Hải Ấp(6) mà về.
Bấy giờ ở kinh đô
Quách Bốc cùng thuộc hạ
Tìm vào trong ngục thất
Chỉ thấy xác Bỉnh Di
Họ đem về mai táng;
Ngai vàng còn bỏ ngỏ
Hoàng tử Thẩm ở đó
Họ tôn lên làm vua.

Thái tử Sam lúc ấy
Về Hải Ấp náu nương
Đương ở nhà Trần Lý(7)
Trần thị con Trần Lý
Người con gái đẹp xinh
Khiến Thái tử phải lòng
Chàng cưới nàng làm vợ;
Thái tử Sam hào phóng
Phong tước cho nhạc phụ
Gọi ông là Minh Tự
Người em vợ Trần Lý
Tên là Tô Trung Từ(8)
Được Thái tử phong danh:
Điện tiền Chỉ huy sứ.
Anh em nhà họ Trần
Chiêu mộ thêm binh lính
Họ về kinh dẹp loạn
Rồi thì lên Quy Hóa
Đón Cao Tông về cung
Vua về tới kinh thành
Sai người đi Hải Ấp
Rước Thái tử hồi cung
Nàng Trần thị, vợ chàng
Phải ở lại Lưu Gia.
Vua Cao Tông trở lại
Độ một năm sau đó
Ngài có bệnh trong mình
Tháng mười, năm canh ngọ
Nghìn hai trăm linh mười(9)
Vua giã từ cõi thế
Trị vì băm lăm năm(10)
Thọ ba mươi tám tuổi!
Chú thích:
(1)  Long Xưởng: con trưởng của Lý Anh Tông, con trai của Linh Chiêu Thái hậu
(2)  Nghìn một trăm bảy chín: 1179
(3)  Đế sư: làm thầy giảng dạy cho vua
(4)  Nghìn hai trăm lẻ tám: 1208
(5)  Sông Quy Hóa: sông Thao Giang, ở phía bắc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay
(6)  Hải Ấp: thuộc làng Lưu Gia(Lưu Xá, huyện Hưng Nhân ngày nay)
(7)  Trần Lý: là người làng Tức Mạc(huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ông làm nghề đánh cá, nhà giàu có, nhiều người theo phục; nhân thời buổi đang loạn, ông cũng dẫn quân đi cướp phá quanh vùng.
(8)  Tô Trung Từ: là cậu của Trần thị, người làng Lưu Gia
(9)  Nghìn hai trăm linh mười: 1210
(10)                     Băm lăm năm: 35 năm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét