Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

TÔI HỌC LÀM THƠ:8/ NHAN ĐỀ

  Trong quá trình sáng tác một bài thơ, tác giả có thể đã có sẵn chủ đích rõ ràng ngay từ lúc khởi đầu; tuy nhiên, cũng có khi tác giả bắt tay vào việc sáng tác với chỉ một vài ý tưởng chợt lóe lên trong trí óc một cách nhất thời, rồi sau đó nhịp điệu và âm thanh cùng với hứng cảm dẫn dắt ngòi bút của họ viết ra những điều mà chính bản thân họ cũng không ngờ đến. Vì thế, nhan đề thường là chọn lựa sau cùng, và có đôi khi tác giả cũng phải chỉnh sửa nhiều lần rồi mới hoàn thành bài thơ. Nhan đề của một bài thơ cũng là một trong những yếu tố không kém phần quan trọng:

-Nó có thể gây ấn tượng cho bạn đọc

-Nó có thể gợi ý cho bạn đọc trong những tình huống mang tính ẩn dụ

-Nó có thể là một câu hỏi, và nội dung bài thơ sẽ là câu trả lời cho bạn

-Đôi khi nó là một chủ đề được định trước

Ví dụ: bài thơ “Gọi nắng vào tim:, tựa đề này đã được gợi ý cho tác giả ngay cả trước khi viết ra nó.

 

GỌI NẮNG VÀO TIM

Như người tìm ngọc quý

Tôi góp nhặt nắng vàng

Thắp lên một ngọn nến

Giữa đêm đen mịt mùng

Cuộc đời tôi bừng sáng

Tháng ngày còn khát khao

Tôi nuôi bao mộng ước

Cho non nước thanh bình

Cho tình yêu rộng mở,

“Hôm nay trời lửng lơ

Trời dòng sông ánh sáng”(1)

Nắng vàng ươm như mật

Chảy tràn giữa tim ai...

 

Nắng vàng ươm sóng sánh

Lấp lánh từ trời cao

Ngọt ngào như hơi thở

Của tình yêu Thượng đế

Rỏ xuống miền nhân gian

Bàn chân ai bước nhẹ

Len vào giữa tim tôi

Thổi luồng sinh khí mới

Khơi dậy mạch yêu thương

Dưới ban mai ngọt nào.

 

Như người đào ngọc quý

Tôi gọi nắng vào tim

Cho anh và cho chị

Tôi gọi nắng dâng trào

Vào tim bạn tim em.

Tôi đem từng giọt nắng

Giọt đắng, giọt yêu thương

Trộn thành dòng sữa mật

“Ngọt đắng theo phận người”

Thả xuôi dòng hạnh phúc

Những giọt nắng lung linh

Từ trời cao lấp lánh

Sưởi ấm trái tim hồng.

(1)  Thơ Hàn Mặc Tử

                        28/8/2009

VŨ THỦY

 

*Đôi khi bài thơ không có nhan đề, tác giả để ngỏ tùy cho người đọc muốn hiểu sao thì nó sẽ là vậy.

Dưới đây là một bài thơ không có nhan đề của tác giả người Mỹ Dan Gerber, Vũ Thủy đã chuyển ngữ:

 

Một buổi sáng mùa đông

Tôi thầm đợi phôn chàng

Bên cửa sổ mơ màng nhìn ngoài kia thực tại

Hơi thở tôi đọng lại một bông hồng trên lớp kính

Ngón tay tôi nguệch ngoạc viết tên chàng

Rồi xóa đi trong vô thức ưu tư

Cả căn phòng lắng nghe như ngầm đợi

Tiếng xe chàng len vào con ngõ nhỏ

Tôi ngắm những cành thông long lanh tuyết trắng

Chẳng có chút gió nào lay động nó

Trời cứ lạnh ru mọi vật lim dim ngủ

Chẳng có gì khuấy động sự êm ả quanh tôi

Chắc hôm nay chàng không đến

Tôi áp má mình vào ô cửa

Chuông điện thoại chợt vang lên

Hơi thở tôi đọng lại một bông hồng trên lớp kính.

 

Dưới đây là bài thơ trong nguyên bản tiếng Anh

The following is the poem in English, it is a unnamed poem of Dan Gerber

 

Another winter morning

I’m expecting your call

I stand close to the window and watch

my breath form a rose on the glass

I scratch your name on it

then wipe it away with my sleeve

listening for your tires

to crunch through the ice on the drive

I notice how snow glistens on the pine boughs

that there’s no wind at all

It’s too cold for my walk

Nothing dares disturb this stillness

I know you aren’t coming

I press my cheek to the window

The telephone rings

My breath forms a rose on the glass

 

LỜI KẾT

Hy vọng rằng những điều thú vị tôi đã thu hoạch được từ giáo trình “Elements of Poetry”, và chia sẻ với bạn qua 8 bài trên đây sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong những bước đầu tập làm thơ. Ước mong sao, với thơ ca bạn sẽ gặt hái được nhiều niềm vui trong cuộc sống.

 

                            Vũ Thủy

                  

TÔI HỌC LÀM THƠ: 7/ ÂM ĐIỆU

Những yếu tố cấu thành âm điệu trong thơ ca:

1/ Sự chọn lựa từ ngữ

2/ Người và quan điểm

3/ Nhịp điệu, âm thanh và kiểu câu

4/ nội dung trên mặt chữ

Trong quá trình sáng tác, sự chọn lựa từ ngữ làm ảnh hưởng đến âm điệu của bài thơ.

Nhịp điệu của một bài thơ cũng có những chỗ ngắt nghỉ ngẫu nhiên và có những chỗ tạm dừng để lấy hơi giống như trong một cuộc nói chuyện.   

*Ví dụ: xem xét bài thơ “Cụ Già Bán Cá”

Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng ven đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Người trong chiếc áo vá vai bạc màu.

 

    Mắt người đượm nét van cầu

  Tiếng rao khàn mỏi chìm đâu mất rồi

    Chợt như trượt xuống chân đồi

  Người đi từng bước rã rời gian nan!

 

    Chợ trưa vắng khách hầu tàn

  Rổ thưa trĩu nặng... mấy con cá buồn...

    Lời rao như có như không

  Rơi vào thăm thẳm mênh mông kiếp nghèo!...

Bài thơ trên đây mang quan điểm của một người có nỗi buồn thương cảm đối với cụ già bán cá. Những từ ngữ được chọn lựa đã làm nổi bật quan điểm ấy, là: “nắng buồn” ở dòng thơ mở đầu; giả sử, ta thay “nắng buồn bằng từ khác, chẳng hạn:

·         Buổi trưa trời nắng thênh thang

·        Cũng là sự diễn tả buổi trưa nắng, nhưng trong cách lựa chọn này không đượm nét buồn của sự thương cảm; nói cách khác, cái nhìn về sự việc mà ta đã diễn tả trong khổ thơ đã không còn vẻ trĩu buồn như lúc ban đầu. Đồng thời, sự thay đổi những từ ấy bằng một vài từ láy cũng đã làm cho tiết tấu của khổ thơ có vẻ nhanh hơn, khác hẳn với trước:

    Buổi trưa trời nắng thênh thang

  Cụ già buông gánh bên đàng đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

·          Người trong chiếc áo vá vai bạc màu.

·         

    Mắt nhìn xuôi, ngược hồi lâu

·          Cụ bà nét mặt dàu dàu bước đi

    Trên vai quang gánh rã rời

·          Tiếng rao khàn mỏi tựa lời thở than!

·         

·            Buổi trưa, chợ vắng thênh thang

·          Có người gánh cá bên đàng đợi ai

·            Từng cơn nắng đổ mệt nhoài

·          Nắng thương bà cụ miệt mài mưu sinh!!!

·        *Hình thức của bài thơ trước sau vẫn thế, nhưng khi đọc đi đọc lại nhiều lần ta sẽ thấy âm điệu của bài thơ đã nhạt đi sắc thái buồn. Với sự thay đổi của một vài từ ngữ, hai câu kết của bài thơ tuy không còn trĩu nặng nỗi buồn thương cảm cho một kiếp nghèo như cách thể hiện của bài thơ lúc ban đầu, nhưng có thể sẽ để lại trong lòng bạn một nỗi gì còn thấm thía hơn, sâu sắc hơn. So sánh trước và sau khi thay đổi từ ngữ cũng như thay đổi quan điểm của bài thơ; tiết tấu có lúc nhanh hơn, có lúc chậm hơn; nội dung trên mặt chữ có lúc biểu tỏ rõ ràng hơn, có lúc chỉ mang tính ẩn dụ... hiệu quả của những thay đổi đó đã tạo nên sự thay đổi âm điệu của bài thơ. Có những bài thơ khi vừa đọc lên, âm điệu của nó ngay lập tức đã gieo vào lòng ta những nốt nhạc trầm bổng, nhiều nhạc sĩ đã tìm được nguồn cảm hứng sáng tác nhạc từ trong thơ ca là vì vậy.

  Ví dụ: bài thơ “Cô gái mù với ly café trắng” của Vũ Thủy ngay sau khi đăng tải trên website Dũng Lạc đã được  nhạc sĩ Phạm Trung phổ nhạc; sau đó, ít nhất đã có hai vị linh mục nghe Vũ Thủy đọc bài thơ vừa dứt, liền hỏi: “Bài thơ này đã có ai phổ nhạc chưa?”...

CÔ GÁI MÙ VỚI LY CÀ PHÊ TRẮNG

Ly cà phê đen trước mặt

Ngụm đắng nhuộm cuộc đời?

Cuộc đời trắng hay đen, thành công hay thất bại ?

Hãy hỏi lòng mình chọn trắng hay đen

 

Cả bầu trời trước mặt ...

Đôi mắt con không thấy ánh mặt trời

Nhưng với con cuộc đời đầy nắng ấm

Bởi quanh con đã có những bàn tay

Trao cả con tim, xiết chặt tình người

Đôi chân con bước đi vững chãi

Bởi có những bàn chân đi mở lối tâm hồn

Gieo hy vọng cho người mù tăm tối

Ly cà phê cho con ngọt ngào hơi sữa

Bởi nó như cuộc sống đầy bao dung

Đã cho con ngọt bùi trong cay đắng

 

Cuộc đời trắng hay đen ?

Riêng cô gái mù thấy ly cà phê trắng

Bởi dòng sữa yêu người, đời đã ban cho

Cô giơ tay hướng về Thượng Đế

"Xin cảm ơn Người, Người mãi ở bên con!"

 

                                                                                    29. 5. 2002.

                                                                                    Vũ Thủy

 

Mời xem bài 8: NHAN ĐỀ 

TÔI HỌC LÀM THƠ: 6/ SỰ ĐỊNH HÌNH & CHỈNH SỬA

  Để có hứng thú trong khi học bài này, bạn nên đọc lướt qua từ trên xuống dưới một lần, rồi hãy bắt tay vào việc nghiên cứu từ đầu đến cuối...

 

Sự định hình Là một khái niệm thuộc phạm trù tâm lý trong đó những hình ảnh được nhận thức như một mô hình hoặc như một tổng thể. Trong thơ ca nó được gọi là sự định hình và nó bao hàm sự phát triển một mô hình hoặc tạo nên sự hòa hợp về màu sắc, từ những hình ảnh rời rạc hoặc những bộ phận riêng rẽ.

Nếu như hình thức là vẻ ngoài của một bài thơ, thì sự định hình là một quá trình xây dựng nên mô hình hoặc nội dung của bài thơ, từ những hình ảnh hoặc những ý tưởng rời rạc được liên kết lại với nhau một cách chặt chẽ.

Những ý tưởng bạn góp nhặt được như: sự ghi chép nhật ký; sự hình thành một danh sách những gì đã thu góp; và sự mô tả những gì bạn đã góp nhặt, sẽ dẫn đến sự định hình cho bài thơ của bạn.

Từ khởi đầu cho tới cuối của việc sáng tác một bài thơ, bạn phải trải qua quá trình xem xét những gì đã viết ra, rồi sửa đi sửa lại nhiều lần, để tìm ra hình tượng và động lực của bài thơ hoặc những ý niệm của nó. Mỗi sự xem xét lại ở lần sau, sẽ giúp bạn dần dần tìm ra mô hình trong bài thơ của bạn.

 

Phần Thực Hành:

Bạn bắt gặp ánh mắt của một người nào đó trên màn ảnh, trong một tạp chí, hay của một con người thật ngoài đời; ánh mắt đó đã để lại trong tâm thức bạn một ý tưởng, nó thôi thúc bạn phải trải ra trên giấy những dòng thơ.., chẳng hạn:  

  1/ Sự lưu giữ trong hồi ức hoặc trong nhật ký của bạn:

Một ánh mắt buồn hiu hắt trên một khuôn mặt già nua, dáng đi thất thểu và chiếc áo bạc màu của người đó... lưu ký lại trong tâm trí bạn một nỗi niềm thương cảm

  2/ Sự hình thành một danh sách:

  Một ánh mắt già nua bên đường nhìn tôi buồn bã

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

  Chiếc áo bạc màu bởi đã cũ nhàu theo năm tháng

  3/ Sự diễn tả những điều đã góp nhặt:

Ngay trong phần hình thành bản danh sách đã có sự diễn tả thêm cho những gì ta liệt kê, và xem xét lại bản liệt kê đó, ta thêm phần diễn tả cho rõ nét, bạn cũng có thể gởi gắm vào đó mối suy tư trăn trở của bạn. Bây giờ cũng là lúc bạn cần đọc đi đọc lại nhiều lần các dòng trên bản liệt kê của bạn, tìm ra những từ phát ra âm thanh nghe giống nhau để có thể sử dụng nó trong việc gieo vần; hoặc phát hiện ra những từ phát ra âm thanh không thuận tai, rồi thay đổi nó bằng từ khác sao cho nghe mượt mà; đồng thời, tìm những từ sao cho những câu thơ được gắn kết với nhau ở những từ có cùng một vần(ví dụ như “hắt” và “mắt”)  

  Buổi trưa đó, bầu trời hiu hắt

  Bên vệ đường, một ánh mắt già nua

  Ôi, đôi mắt có nỗi gì chua xót

 

  Tôi thấy người trong dáng đi thất thểu

  Từng đốt xương như rệu rã cả rồi

 

  Chiếc áo bạc màu trơ vai gầy khô khốc

  Áo cũ nhàu theo năm tháng phong sương

 

*Sem xét lại lần 2: đọc đi đọc lại nhiều lần để tìm ra các từ cần thay đổi sao cho những dòng ta đã viết trở nên có vần có điệu một cách nhịp nhàng hơn

  Buổi trưa đó, bầu trời hiu hắt

  Bên vệ đường, một ánh mắt già nua

  Ôi, đôi mắt có nỗi gì chua xót

  Cõi lòng ta đắng đót giấu lệ rơi!

 

  Tôi thấy người trong dáng đi thất thểu

  Từng đốt xương như rệu rã cả rồi

  Nét cằn cỗi hằn sâu theo chân bước

  Nước mắt tôi rươm rướm tự khi nào...

 

  Áo cũ nhàu trơ vai gầy, miếng vá

  Người rao bán vài con cá, con tôm

 

*Xem xét lại lần 3:

Tới giai đoạn này, bài thơ đã được định hình rõ ràng cụ thể, đó là mô hình về một người già nghèo khổ phải lam lũ kiếm sống giữa một thành phố hoa lệ. Lúc này, bạn rất cần đọc đi đọc lại từ trên xuống dưới nhiều lần, để tìm ra những chỗ cần thay đổi, như: những từ sao cho giữa 3 khổ thơ trên có một sự chuyển mạch một cách mượt mà và liên tục; đồng thời, bạn có thể thêm  những dấu chấm câu để làm nổi bật ý nghĩa mà bạn muốn chuyển tải trong bài thơ

  Buổi trưa đó, bầu trời hiu hắt

  Bên vệ đường, một ánh mắt già nua

  Ôi, đôi mắt có nỗi gì chua xót

  Cõi lòng ta đắng đót giấu lệ rơi!

ở khổ thơ này ta đã gieo vần cho nó với các cặp từ có vần giống nhau là: “hắt” và mắt, “nua” và “chua”, “xót” và “đót” từ cuối cùng của khổ thơ là “rơi”, vậy ta hãy cố gắng chỉnh sửa câu đầu tiên của khổ thơ thứ hai sao cho có một từ ăn vần với nó

 

  Người tả tơi trong dáng đi thất thểu

  Từng đốt xương như rệu rã cả rồi

  Nét cằn cỗi hằn sâu theo chân bước

  Nước mắt tôi rươm rướm tự khi nào...

Ta có thể dùng từ “tơi” cùng vần với từ “rơi”, và chỉnh sửa đôi chút để dòng thơ đầu tiên của khổ thơ thứ hai này được gắn kết chặt chẽ với khổ thơ thứ nhất. Ở khổ thơ này, ta thấy các cặp từ có vần tương tự giống nhau như: “thểu” và “rễu”, “rồi” và “cỗi”, “bước” và “nước”; giả sử bạn có thể tìm thấy được từ có phần giống hệt nhau thì rất tốt, tuy nhiên nếu ta đọc đi đọc lại nhiều lần mà cảm thấy âm thanh nhịp điệu đã hài hòa rồi thì không cần phải thay đổi nữa

 

  Áo cũ nhàu trơ vai gầy, miếng vá

  Người rao bán vài con cá, con tôm

  Tiếng rao khàn, trầm buồn nghe mòn mỏi

  Chẳng có người mua, chợ vắng tanh rồi!

Từ “áo” ở đầu khổ thơ thứ ba này có thể coi như ăn vần với từ cuối của khổ thứ hai là “nào”, nó giúp cho sự chuyển mạch giữa các khổ thơ có âm thanh và tiết tấu liên tục một cách chặt chẽ. Từ “vá” và từ “cá” của hai câu đầu trong khổ thơ này ăn vần với nhau rất tốt; thực sự, khởi đầu ta chưa biết là cụ già đó đang bước đi thất thểu vì cái gì và đang đi đâu, tới chỗ này mới dần hiện ra hình ảnh cụ già đi bán cá: đây là một trong những cách sáng tạo đẩy những câu thơ từ những cảm hứng ban đầu đi tới một hướng thật bất ngờ mà ngay cả người làm thơ cũng không ngờ trước. Câu 3 và câu 4 không có từ nào ăn vần với nhau; nhưng có thể nói dấu hỏi của từ “mỏi” và “chẳng” cũng giúp tạo nên sự hài hòa về âm thanh và nhịp điệu. Thơ tự do không có sự ràng buộc về vần như các thể thơ khác, quan trọng nhất là ý tưởng của bài thơ đã được làm nổi bật với những âm thanh và nhịp điệu hài hòa xuyên suốt mạch thơ.

*Xem xét lại lần 4, lần 5... lần 6...

Bạn có để ý thấy trong bài thơ trên có 2 dòng thơ cùng có từ “rồi” ở cuối dòng, nếu để vậy thì bài thơ nghe không được hay lắm; ta nên chỉnh sửa một chút ở câu cuối của khổ thơ thứ ba, chẳng hạn:

  Áo cũ nhàu trơ vai gầy, miếng vá

  Người rao bán vài con cá, con tôm

  Tiếng rao khàn, trầm buồn nghe mòn mỏi

  Chẳng có người mua, chợ đã vắng tanh!

 

Bạn sẽ hoàn thành bài thơ khi bạn cảm thấy hài lòng về mọi mặt, cả hình thức lẫn nội dung của bài thơ.

 

Giả sử, bạn muốn viết bài thơ của bạn theo thể lục bát thì trong quá trình xem xét danh sách những hình ảnh bạn góp nhặt được lúc ban đầu, bạn phải tìm từ ngữ để gieo vần, cũng như phải tính đến số từ trong mỗi dòng thơ theo đúng luật định của thơ lục bát. Dưới đây là một ví dụ minh họa:

Ta đã có danh sách:

  Một ánh mắt già nua bên đường nhìn tôi buồn bã

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

  Chiếc áo bạc màu bởi đã cũ nhàu theo năm tháng

*Xem xét lần 1:

Ta phải định hình và chỉnh sửa danh sách trên theo luật thơ lục bát; nghĩa là phải tạo cho được câu mở đầu bài thơ với 6 từ, và viết nó ra theo luật bằng-trắc:

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

Tiếp đó, câu thứ hai trong cặp lục bát đầu tiên này phải có 8 từ và từ thứ 6 của nó phải có vần “uồn”: hoặc một từ có vần tương tự:

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng bên đường đợi ai

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

  Chiếc áo bạc màu bởi đã cũ nhàu theo năm tháng

 

*Xem xét lần 2:

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng bên đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Ẩn sau chiếc áo vá vai bạc màu

 

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

 

*Xem xét lần 3:   

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng ven đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Người trong chiếc áo vá vai bạc màu

    Mắt người đượm nét van cầu

  Tiếng rao khàn mỏi chìm đâu mất rồi

    Chợt như trượt xuống chân đồi

  Người đi từng bước rã rời gian nan

    Chợ trưa vắng khách dần tan

  Rổ thưa còn đấy mấy con cá buồn

 

*Xem xét lần 4, 5, 6...

Bây giờ là lúc viết lời kết cho bài thơ, và thêm những dấu ngắt câu hoặc chia bài thơ ra từng khổ thơ khác nhau để làm rõ những ý tưởng của bài thơ

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng ven đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Người trong chiếc áo vá vai bạc màu.

 

    Mắt người đượm nét van cầu

  Tiếng rao khàn mỏi chìm đâu mất rồi

    Chợt như trượt xuống chân đồi

  Người đi từng bước rã rời gian nan!

 

    Chợ trưa vắng khách hầu tàn

  Rổ thưa trĩu nặng... mấy con cá buồn...

    Lời rao như có như không

  Rơi vào thăm thẳm mênh mông kiếp nghèo!...

 

Mời xem bài kế tiếp: 7 ÂM ĐIỆU

  

TÔI HỌC LÀM THƠ: 5/ HÌNH THỨC

Hình thức của mỗi bài thơ được quyết định bởi nhiều yếu tố:

1/ Vần(vận) và nhịp điệu

-Vần thường được nhận biết qua các từ có chứa trong câu thơ, còn nhịp điệu thì được nhận biết bằng cách đọc và nghe.

-Đọc thơ và nghe thơ rất quan trọng trong một quá trình sáng tác thơ. Đọc và nghe thơ giúp bạn nhận ra nhịp điệu và âm thanh của bài thơ, để bạn có thể thay đổi những từ ngữ ở chỗ tai bạn nghe chưa vừa ý, cũng như tìm những từ ngữ khác để thay thế sao cho nhịp điệu của bài thơ trở nên mượt mà sôi nổi, hoặc trở nên thiết tha réo rắt hơn.

Đọc thơ phải đúng cách, đó là đọc đúng cách ngắt nhịp trong mỗi dòng thơ, nhịp điệu này tùy thuộc vào những từ ngữ mà tác giả sử dụng. Khi bạn đọc đúng theo nhịp điệu của bài thơ, bạn sẽ hiểu được hết những ý tứ mà tác giả muốn bày tỏ; đồng thời, đọc đúng chỗ ngắt nhịp sẽ tạo cho bài thơ có tiết tấu như một bản nhạc vậy(mời nghe đọc thơ Hai Nghìn Năm Vẫn Đợi)

đọc thơ HAI NGHÌN NĂM VẪN ĐỢI

 

2/ Âm thanh và âm tiết:

-Trong tiếng Việt, mỗi từ có chứa các dấu như: sắc, hỏi, ngã, nặng gọi là thanh trắc; những từ có dấu huyền và không có dấu thì gọi là thanh bằng. Mời xem bài tham khảo dưới đây:

Luật thơ Lục Bát - Song Thất Lục Bát / Cách làm thơ và Luật làm thơ! * Sai Mon Thi Dan

 

Những từ phát ra âm thanh nghe giống nhau được sử dụng để gieo vần cho những câu thơ trong một bài thơ, đối với mỗi thể loại thơ thì có những luật gieo vần của riêng nó.

-Mỗi từ của tiếng Việt chỉ có một âm tiết, vì thế số từ trong mỗi dòng thơ Việt cũng chính là số âm tiết của câu thơ. Khác với tiếng Việt, mỗi từ trong tiếng Anh có từ 1-5 âm tiết. Ví dụ: international  có 5 âm tiết.

-Số từ trong mỗi dòng thơ, hay một cặp câu liên tiếp tùy thuộc vào thể loại thơ, hoặc tùy thuộc ý tưởng của tác giả(đối với thơ tự do)

Một số ví dụ minh họa:

*Thơ Lục Bát là thể thơ gồm các cặp câu “lục bát”, mỗi cặp gồm một câu 6 chữ(6 âm tiết) và một câu 8 chữ(8 âm tiết)-ví dụ:

    Lá ơi, hát khúc yêu thương

Cho em ôm trọn quê hương vào lòng

  (trích :”Lá ơi!” Hoa Mặt Trời)

*Thơ Song Thất Lục Bát là thể thơ trong đó có nhiều tứ thơ, mỗi tứ thơ gồm có hai câu 7 chữ(Song Thất) trước một cặp câu Lục Bát. Ví dụ:

Đêm trở giấc canh khuya lẻ bóng

Tựa thềm hoa lặng ngóng trông ai

Lệ tuôn đẫm ướt mi dài

Có hay chăng hỡi non đoài người ơi

  (trích “Nhớ người trong thơ” tác giả Hoàng Mai

 

3/ Khổ thơ: là một đơn vị trong cấu trúc của một bài thơ, nó tương tự như một đoạn ở văn xuôi. Trong một bài thơ gồm nhiều khổ thơ, thì giữa các khổ thơ được chia cách bằng một dòng trắng. Mỗi khổ thơ có thể gồm 3, 4, 5, 6, hay 7-8 dòng tùy theo ý tưởng của tác giả.

Thơ Việt Nam có nhiều thể loại, mỗi hình thái lại có những luật riêng trong cách gieo vần và chọn câu chữ. Ví dụ như thơ Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thất Ngôn Tứ Tuyệt, Thất Ngôn Bát Cú... Mời xem bài tham khảo dưới đây:

Hướng dẫn làm thơ lục bát và song thất lục bát hay dành cho mọi lứa tuổi - Kênh học đường

 

Ngoài ra, còn có thơ ngũ ngôn, mỗi câu thơ gồm 5 âm tiết... Thơ tự do thì không quy định là bao nhiêu âm tiết cũng như không có quy tắc rõ ràng trong khi gieo vần; tuy nhiên, nó vẫn phải có nhịp điệu và vần điệu hẳn hoi, điều đó tùy thuộc vào cảm hứng của tác giả, và tùy thuộc vào ý tưởng của dòng thơ.

 

4/ Ngoài 3 yếu tố cấu thành một bài thơ như: nhịp điệu, vận luật và khổ thơ; còn có những yếu tố khác như: câu vắt dòng, sự ngắt nhịp, dấu chấm câu, sự lập lại một từ hoặc một nhóm từ, hoặc một số từ với âm thanh tương tự xuyên suốt bài thơ.

Khi chúng ta nghe những câu thơ có dấu ngắt câu hoặc những câu thơ vắt dòng, hoặc những từ được lập đi lập lại nhiều lần, ta có cảm giác mạnh mẽ, da diết, nhanh hoặc chậm như tiết tấu của một bài hát vậy.

*Câu vắt dòng: một câu chạy từ 1 dòng thơ này đến dòng kế tiếp mà không có dấu ngắt câu

Ta hãy xem xét những câu thơ dưới đây:

Ánh mắt ấy xao xuyến trong vườn Giệt-si-ma-ni

Một ánh mắt hiến dâng, trút hơi thở cuối cùng!

 

Ánh mắt ấy, hai nghìn năm vẫn đợi

Đợi...

Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

Đợi...

Một ánh mắt ân cần bên vệ đường

Nhìn người ăn xin khốn khó.

Và ở đâu sẽ có,

Một ánh mắt đỡ nâng người tuyệt vọng?

Khích lệ kẻ yếu đuối?

Bênh vực kẻ thế cô?

 

Đôi mắt ấy, hai nghìn năm vẫn đợi

Kiên nhẫn đợi trên thập tự loang lổ máu

    Trích trong “Hai nghìn năm vẫn đợi” tác giả Vũ Thủy

Có thể thấy đây là bài thơ viết theo thể loại tự do, số từ và số câu trong mỗi khổ thơ không giống nhau. Trong những câu thơ này có những từ và cụm từ được lập đi lập lại nhiều lần như: đợi, tìm, ánh mắt...

  Và có những câu thơ vắt dòng như dưới đây:

1-- Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

    Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

    Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

2-- Một ánh mắt ân cần bên vệ đường

    Nhìn người ăn xin khốn khó.

    Và ở đâu sẽ có,...

*Chú ý: Không phải thơ tự do là muốn viết một dòng mấy từ thì viết, nó tùy thuộc vào sự ngắt nhịp và nhịp điệu cũng như sự gieo vần:

  Ta hãy phân tích khổ thơ:

Đợi...

Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

**Đợi... dòng này chỉ có một từ với dấu chấm lửng, đã thể hiện sự chờ đợi có vẻ như lâu lắm vậy.

  Ta hãy xem xét câu thơ vắt dòng của khổ thơ đó:

**Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

  Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

  Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

Dòng thơ đầu, tác giả đã ngắt câu ở chữ “lỡ” và dòng thứ hai ở chữ “nhỡ”, tạo cho hai dòng thơ này ăn vần với nhau: “lỡ” và “nhỡ”. Dòng thứ hai và dòng thứ ba đều bắt đầu bằng chữ “Tìm”, đã tạo nên sự kết dính giữa hai câu thơ, ở đây có yếu tố liệt kê như ta đã bàn luận ở bài số 2; đồng thời có sự nhấn mạnh đối với từ “Tìm” tạo cho những vần thơ càng trở nên nổi bật. Giả sử, ta thay đổi chỗ ngắt dòng, thì hiệu quả sẽ khác đi:

Ví dụ 1: Đợi... một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

         Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

         Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

Ví dụ 2: Đợi một ánh mắt cảm thông

         Tìm con người lầm lỡ

         Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

         Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

 Trong cả 2 trường hợp, hiệu quả đã khác biệt rất nhiều so với nguyên bản; điều này sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn khi ta đọc đi đọc lại nhiều lần những câu thơ trên. Và, tất nhiên tác giả cũng đã đọc đi đọc lại nhiều lần bản nháp của mình, chỉnh sửa nhiều lần rồi mới đi tới kết cuộc của bài thơ có hình thức như đã trình bày ở trên.

  Mời bạn xem bài kế tiếp: 6 SỰ ĐỊNH HÌNH & CHỈNH SỬA