Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

TÔI HỌC LÀM THƠ: 6/ SỰ ĐỊNH HÌNH & CHỈNH SỬA

  Để có hứng thú trong khi học bài này, bạn nên đọc lướt qua từ trên xuống dưới một lần, rồi hãy bắt tay vào việc nghiên cứu từ đầu đến cuối...

 

Sự định hình Là một khái niệm thuộc phạm trù tâm lý trong đó những hình ảnh được nhận thức như một mô hình hoặc như một tổng thể. Trong thơ ca nó được gọi là sự định hình và nó bao hàm sự phát triển một mô hình hoặc tạo nên sự hòa hợp về màu sắc, từ những hình ảnh rời rạc hoặc những bộ phận riêng rẽ.

Nếu như hình thức là vẻ ngoài của một bài thơ, thì sự định hình là một quá trình xây dựng nên mô hình hoặc nội dung của bài thơ, từ những hình ảnh hoặc những ý tưởng rời rạc được liên kết lại với nhau một cách chặt chẽ.

Những ý tưởng bạn góp nhặt được như: sự ghi chép nhật ký; sự hình thành một danh sách những gì đã thu góp; và sự mô tả những gì bạn đã góp nhặt, sẽ dẫn đến sự định hình cho bài thơ của bạn.

Từ khởi đầu cho tới cuối của việc sáng tác một bài thơ, bạn phải trải qua quá trình xem xét những gì đã viết ra, rồi sửa đi sửa lại nhiều lần, để tìm ra hình tượng và động lực của bài thơ hoặc những ý niệm của nó. Mỗi sự xem xét lại ở lần sau, sẽ giúp bạn dần dần tìm ra mô hình trong bài thơ của bạn.

 

Phần Thực Hành:

Bạn bắt gặp ánh mắt của một người nào đó trên màn ảnh, trong một tạp chí, hay của một con người thật ngoài đời; ánh mắt đó đã để lại trong tâm thức bạn một ý tưởng, nó thôi thúc bạn phải trải ra trên giấy những dòng thơ.., chẳng hạn:  

  1/ Sự lưu giữ trong hồi ức hoặc trong nhật ký của bạn:

Một ánh mắt buồn hiu hắt trên một khuôn mặt già nua, dáng đi thất thểu và chiếc áo bạc màu của người đó... lưu ký lại trong tâm trí bạn một nỗi niềm thương cảm

  2/ Sự hình thành một danh sách:

  Một ánh mắt già nua bên đường nhìn tôi buồn bã

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

  Chiếc áo bạc màu bởi đã cũ nhàu theo năm tháng

  3/ Sự diễn tả những điều đã góp nhặt:

Ngay trong phần hình thành bản danh sách đã có sự diễn tả thêm cho những gì ta liệt kê, và xem xét lại bản liệt kê đó, ta thêm phần diễn tả cho rõ nét, bạn cũng có thể gởi gắm vào đó mối suy tư trăn trở của bạn. Bây giờ cũng là lúc bạn cần đọc đi đọc lại nhiều lần các dòng trên bản liệt kê của bạn, tìm ra những từ phát ra âm thanh nghe giống nhau để có thể sử dụng nó trong việc gieo vần; hoặc phát hiện ra những từ phát ra âm thanh không thuận tai, rồi thay đổi nó bằng từ khác sao cho nghe mượt mà; đồng thời, tìm những từ sao cho những câu thơ được gắn kết với nhau ở những từ có cùng một vần(ví dụ như “hắt” và “mắt”)  

  Buổi trưa đó, bầu trời hiu hắt

  Bên vệ đường, một ánh mắt già nua

  Ôi, đôi mắt có nỗi gì chua xót

 

  Tôi thấy người trong dáng đi thất thểu

  Từng đốt xương như rệu rã cả rồi

 

  Chiếc áo bạc màu trơ vai gầy khô khốc

  Áo cũ nhàu theo năm tháng phong sương

 

*Sem xét lại lần 2: đọc đi đọc lại nhiều lần để tìm ra các từ cần thay đổi sao cho những dòng ta đã viết trở nên có vần có điệu một cách nhịp nhàng hơn

  Buổi trưa đó, bầu trời hiu hắt

  Bên vệ đường, một ánh mắt già nua

  Ôi, đôi mắt có nỗi gì chua xót

  Cõi lòng ta đắng đót giấu lệ rơi!

 

  Tôi thấy người trong dáng đi thất thểu

  Từng đốt xương như rệu rã cả rồi

  Nét cằn cỗi hằn sâu theo chân bước

  Nước mắt tôi rươm rướm tự khi nào...

 

  Áo cũ nhàu trơ vai gầy, miếng vá

  Người rao bán vài con cá, con tôm

 

*Xem xét lại lần 3:

Tới giai đoạn này, bài thơ đã được định hình rõ ràng cụ thể, đó là mô hình về một người già nghèo khổ phải lam lũ kiếm sống giữa một thành phố hoa lệ. Lúc này, bạn rất cần đọc đi đọc lại từ trên xuống dưới nhiều lần, để tìm ra những chỗ cần thay đổi, như: những từ sao cho giữa 3 khổ thơ trên có một sự chuyển mạch một cách mượt mà và liên tục; đồng thời, bạn có thể thêm  những dấu chấm câu để làm nổi bật ý nghĩa mà bạn muốn chuyển tải trong bài thơ

  Buổi trưa đó, bầu trời hiu hắt

  Bên vệ đường, một ánh mắt già nua

  Ôi, đôi mắt có nỗi gì chua xót

  Cõi lòng ta đắng đót giấu lệ rơi!

ở khổ thơ này ta đã gieo vần cho nó với các cặp từ có vần giống nhau là: “hắt” và mắt, “nua” và “chua”, “xót” và “đót” từ cuối cùng của khổ thơ là “rơi”, vậy ta hãy cố gắng chỉnh sửa câu đầu tiên của khổ thơ thứ hai sao cho có một từ ăn vần với nó

 

  Người tả tơi trong dáng đi thất thểu

  Từng đốt xương như rệu rã cả rồi

  Nét cằn cỗi hằn sâu theo chân bước

  Nước mắt tôi rươm rướm tự khi nào...

Ta có thể dùng từ “tơi” cùng vần với từ “rơi”, và chỉnh sửa đôi chút để dòng thơ đầu tiên của khổ thơ thứ hai này được gắn kết chặt chẽ với khổ thơ thứ nhất. Ở khổ thơ này, ta thấy các cặp từ có vần tương tự giống nhau như: “thểu” và “rễu”, “rồi” và “cỗi”, “bước” và “nước”; giả sử bạn có thể tìm thấy được từ có phần giống hệt nhau thì rất tốt, tuy nhiên nếu ta đọc đi đọc lại nhiều lần mà cảm thấy âm thanh nhịp điệu đã hài hòa rồi thì không cần phải thay đổi nữa

 

  Áo cũ nhàu trơ vai gầy, miếng vá

  Người rao bán vài con cá, con tôm

  Tiếng rao khàn, trầm buồn nghe mòn mỏi

  Chẳng có người mua, chợ vắng tanh rồi!

Từ “áo” ở đầu khổ thơ thứ ba này có thể coi như ăn vần với từ cuối của khổ thứ hai là “nào”, nó giúp cho sự chuyển mạch giữa các khổ thơ có âm thanh và tiết tấu liên tục một cách chặt chẽ. Từ “vá” và từ “cá” của hai câu đầu trong khổ thơ này ăn vần với nhau rất tốt; thực sự, khởi đầu ta chưa biết là cụ già đó đang bước đi thất thểu vì cái gì và đang đi đâu, tới chỗ này mới dần hiện ra hình ảnh cụ già đi bán cá: đây là một trong những cách sáng tạo đẩy những câu thơ từ những cảm hứng ban đầu đi tới một hướng thật bất ngờ mà ngay cả người làm thơ cũng không ngờ trước. Câu 3 và câu 4 không có từ nào ăn vần với nhau; nhưng có thể nói dấu hỏi của từ “mỏi” và “chẳng” cũng giúp tạo nên sự hài hòa về âm thanh và nhịp điệu. Thơ tự do không có sự ràng buộc về vần như các thể thơ khác, quan trọng nhất là ý tưởng của bài thơ đã được làm nổi bật với những âm thanh và nhịp điệu hài hòa xuyên suốt mạch thơ.

*Xem xét lại lần 4, lần 5... lần 6...

Bạn có để ý thấy trong bài thơ trên có 2 dòng thơ cùng có từ “rồi” ở cuối dòng, nếu để vậy thì bài thơ nghe không được hay lắm; ta nên chỉnh sửa một chút ở câu cuối của khổ thơ thứ ba, chẳng hạn:

  Áo cũ nhàu trơ vai gầy, miếng vá

  Người rao bán vài con cá, con tôm

  Tiếng rao khàn, trầm buồn nghe mòn mỏi

  Chẳng có người mua, chợ đã vắng tanh!

 

Bạn sẽ hoàn thành bài thơ khi bạn cảm thấy hài lòng về mọi mặt, cả hình thức lẫn nội dung của bài thơ.

 

Giả sử, bạn muốn viết bài thơ của bạn theo thể lục bát thì trong quá trình xem xét danh sách những hình ảnh bạn góp nhặt được lúc ban đầu, bạn phải tìm từ ngữ để gieo vần, cũng như phải tính đến số từ trong mỗi dòng thơ theo đúng luật định của thơ lục bát. Dưới đây là một ví dụ minh họa:

Ta đã có danh sách:

  Một ánh mắt già nua bên đường nhìn tôi buồn bã

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

  Chiếc áo bạc màu bởi đã cũ nhàu theo năm tháng

*Xem xét lần 1:

Ta phải định hình và chỉnh sửa danh sách trên theo luật thơ lục bát; nghĩa là phải tạo cho được câu mở đầu bài thơ với 6 từ, và viết nó ra theo luật bằng-trắc:

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

Tiếp đó, câu thứ hai trong cặp lục bát đầu tiên này phải có 8 từ và từ thứ 6 của nó phải có vần “uồn”: hoặc một từ có vần tương tự:

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng bên đường đợi ai

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

  Chiếc áo bạc màu bởi đã cũ nhàu theo năm tháng

 

*Xem xét lần 2:

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng bên đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Ẩn sau chiếc áo vá vai bạc màu

 

  Tôi thấy người đó có dáng đi thất thểu

 

*Xem xét lần 3:   

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng ven đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Người trong chiếc áo vá vai bạc màu

    Mắt người đượm nét van cầu

  Tiếng rao khàn mỏi chìm đâu mất rồi

    Chợt như trượt xuống chân đồi

  Người đi từng bước rã rời gian nan

    Chợ trưa vắng khách dần tan

  Rổ thưa còn đấy mấy con cá buồn

 

*Xem xét lần 4, 5, 6...

Bây giờ là lúc viết lời kết cho bài thơ, và thêm những dấu ngắt câu hoặc chia bài thơ ra từng khổ thơ khác nhau để làm rõ những ý tưởng của bài thơ

    Buổi trưa hiu hắt nắng buồn

  Già nua một bóng ven đường đợi ai

    Bóng gầy như giọt sương phai

  Người trong chiếc áo vá vai bạc màu.

 

    Mắt người đượm nét van cầu

  Tiếng rao khàn mỏi chìm đâu mất rồi

    Chợt như trượt xuống chân đồi

  Người đi từng bước rã rời gian nan!

 

    Chợ trưa vắng khách hầu tàn

  Rổ thưa trĩu nặng... mấy con cá buồn...

    Lời rao như có như không

  Rơi vào thăm thẳm mênh mông kiếp nghèo!...

 

Mời xem bài kế tiếp: 7 ÂM ĐIỆU

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét