Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ NHÂN TÔNG




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


IV- LÝ NHÂN TÔNG(1072-1127):
1/ Ỷ LAN THÁI PHI:
Nhà vua Lý Nhân Tông
Là con bà Ỷ Lan
Bà quê ở Siêu Loại;(1)
Lý Thánh Tông thời trước
Vào lúc bốn mươi tuổi
Mà vẫn chưa có con
Ngài bèn đi cầu tự
Khi qua làng Thổ Lội(2)
Người đứng xem chật đường
Một cô gái hái dâu
Tựa gốc lan lơ đãng
Mặc xa giá vua qua
Nàng vẫn không ra ngắm
Vua thấy thế, truyền gọi
Rồi đưa nàng về cung
Tên Ỷ Lan của nàng
Do nhà vua ban tặng;
Một thời gian sau đó
Nàng hạ sinh hoàng tử
Được phong làm Nguyên phi
Con, được làm thái tử
Chính tên là Càn Đức.
Vua Thánh Tông qua đời
Càn Đức lên làm vua
Vua phong cho mẹ ruột
Làm Ỷ Lan Thái phi;
Thấy Thái hậu giữ quyền
Thái phi bụng chẳng yên
Xúi vua bắt Thái hậu;
Dương thái hậu bị bắt
Bảy mươi hai thị nữ
Cũng bị bắt theo bà
Và tất cả bọn họ
Bị giam trong ngục tối
Cuối cùng, bị giết cả!

2/ LÝ ĐẠO THÀNH:
Lý Nhân Tông lên ngôi
Khi mới bảy tuổi đầu
Ở triều đình lúc ấy
Có ông Lý Đạo Thành
Làm Thái sư, phụ chính;
Thuộc dòng họ nhà vua
Và là người đoan chính
Thái sư rất tận tụy
Vì lợi ích của dân
Ông cất nhắc hiền tài
Họ giúp ông trị nước
Trong, sửa sang mọi việc
Sao cho được an dân
Ngoài, chống trả quân thù
Nay: đánh giặc nhà Tống
Mai: phá bọn quân Chiêm
Nhờ tướng giỏi, tôi hiền
Lập nên công nghiệp lớn!

3/ VIỆC SỬA SANG TRONG NƯỚC:
Để kinh đô khỏi lụt
Là lý do khởi đầu
Mở ra việc đắp đê
Khi công trình hoàn thành
Gọi là đê Cơ Xá.

Rồi vào năm ất mão
Năm: một nghìn bảy lăm(3)
Cũng là năm khởi đầu
Nước ta mở khoa thi
Chọn lấy người văn học
Ra làm quan giúp nước;
Ở kỳ thi năm ấy
Chọn được hơn mười người
Thủ khoa Lê Văn Thịnh
Sau lên chức thái sư;
Tiếc thay cho ông này
Vì có lòng phản nghịch
Phải chịu sự đi đày
Trên vùng đất Thao Giang(4)...
Năm: một nghìn bảy sáu(5)
Quốc tử giám ra đời
Một số người văn học
Được bổ nhiệm vào đấy
Dạy học cho con vua
Và con nhà quý tộc.
Năm: một nghìn tám sáu(6)
Mở ra khoa thi tuyển
Chọn lấy người văn học
Và trong cuộc tuyển chọn
Mạc Hiển Tích đỗ đầu
Được vào Hàn lâm viện
Ông nhận lấy chức danh
Là: Hàn lâm học sĩ
Nước ta, kể từ đây
Nền nho học thịnh phát.

Năm: một nghìn tám chín(7)
Triều đình sắp xếp lại
Định ra chín phẩm hàm
Các đại thần trước nhất:
Ban văn có Thái sư
Thái phó và Thái úy
Ban võ có Thiếu sư
Thiếu phó và Thiếu úy;
Dưới các bậc đại thần
Ban văn có Thượng thư
Cùng các quan tả hữu(8)...
Ban võ có Đô thống(9)
Tổng quản khu mật sứ
Khu mật tả hữu sứ...
Cùng Chư vệ tướng quân...
Các quan ở châu quận:
Văn có quan Tri phủ
Phán phủ và Tri châu
Bên quan võ bao gồm
Các Chư lộ trấn trại.
Chú thích:
(1)  Siêu Loại: thuộc Bắc Ninh
(2)  Thổ Lội: sau được đổi tên thành Siêu Loại, rồi sau nữa lại đổi thành Thuận Quang
(3)  Một nghìn bảy lăm: 1075
(4)  Thao Giang: huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay
(5)  Một nghìn bảy sáu: 1076
(6)  Một nghìn tám sáu: 1086
(7)  Một nghìn tám chín: 1089
(8)  Các quan tả hữu: tả hữu Tham tri, tả hữu Gián nghị đại phu, Trung thư Thị lang, Bộ Thị lang.v.v.
(9)  Đô thống: quan Đô thống Nguyên súy


4/ VIỆC ĐÁNH NHÀ TỐNG:
Đời vua Tống Thần Tông(1)
Nước Tàu đà suy yếu
Nhà Tống lúc bấy giờ
Bị lân bang ức hiếp;
Bắc Liêu và Tây Hạ
Thường xuyên sang quấy nhiễu
Triều Tống ở thế thua
Nhà vua phải nộp cống
Hằng năm góp vàng bạc
Cùng lụa là, châu báu
Đem sang hai nước nọ.
Để có đủ tiền tài
Vua dùng Vương An Thạch
Phong Thạch làm tể tướng
Vương An Thạch vào cuộc
Hoạch định phương pháp mới(2)
Với các phép như sau:
Một là phép thanh miêu
Hai là  phép miễn dịch
Ba là phép thị dịch;
Về phương diện quân binh
Đặt ra hai phép này:
Một là phép bảo giáp
Hai là phép bảo mã.
Cả năm phương pháp ấy
Được đem ra thi hành
Sinh lợi cho nhà Tống
Giúp tiết kiệm tiền tài
Nhưng trái ý người dân
Họ không muốn thay đổi
Phong tục họ đã quen
Nay chẳng được như cũ
Lòng người sinh oán hận.
Vận mệnh của nước ta
Cũng có nhiều thay đổi
Bởi ảnh hưởng qua lại
Giữa hai miền biên cương;
Còn! Từ nơi phương bắc
Ông vua của nước Tàu
Nghe bề tôi xúi giục
Lòng muốn có Giao châu
Ông lệnh cho Thẩm Khởi
Làm Tri châu châu Quế
Lo thu xếp mọi việc
Chuẩn bị đánh Giao châu
Chẳng hiểu bởi vì đâu
Thẩm Khởi bị triệu hồi
Rồi Lưu Di sang thay.
Lưu Di cho tầm soát
Các đồn lũy, khe ngòi
Làm thuyền, sửa binh khí;
Đối với việc thông thương
Việc buôn bán qua lại
Giữa hai miền biên cương
Ông cũng ra lệnh cấm...
Bên nhà Lý thấy vậy
Viết thư hỏivua Tàu;
Thư bị người chặn lại
Chẳng về tới kinh đô
Vua nhà Lý tức giận
Lệnh cho Lý Thường Kiệt(3)
Cùng tướng quân Tôn Đản
Chia hai đường thủy, bộ
Cả thảy mười vạn binh
Đi đánh quân nhà Tống.
Tướng quân Lý Thường Kiệt
Vây đánh Khâm, Liêm châu(5)
Khí thế tựa dầu sôi
Hơn tám ngàn quân địch
Bị quân ta giết chết;
Đạo quân của Tôn Đản
Tiến đánh thành Nam Ninh;(6)
Thấy tình hình nguy ngập
Trương Thủ Tiết, quan Tàu
Là Đô giám Quảng Tây
Vội đem binh tiếp cứu
Vừa khi tới Côn Lôn
Lý Thường Kiệt đón đánh
Chém Thủ Tiết rơi đầu;
Tôn Đản vây Ung châu
Sau hơn bốn mươi ngày
Thành Ung châu thất thủ
Quan Tri châu: Tô Dam
Cùng người nhà tuẫn tiết
Cả thảy băm bảy người;(7)
Người trong thành cũng vậy
Không ai chịu ra hàng
Quân nhà Lý`            hăng lên
Xông vào thành chém giết
Năm vạn tám nghìn người...
Bắt được người, được của
Chiến lợi phẩm đưa về
Đại Việt ta thắng lớn!
Chú thích:
(1)  Tống Thần Tông: làm vua nước Tàu năm 1068-1078
(2)  PHƯƠNG PHÁP MỚI:
1-     Phép thanh miêu: khi lúa còn xanh, nông dân có thể vay tiền của nhà nước; sau khi thu hoạch lúa, họ phải trả lại, trong đó bao gồm cả tiền lời theo sự quy định của nhà nước
2-     Phép miễn dịch: người nào có nghĩa vụ phải thực hiện sưu dịch, nhưng không muốn đi, thì có nghĩa vụ phải nộp tiền, nhà nước sẽ dùng tiền này để thuê người làm thay cho họ
3-     Phép thị dịch: đặt ra một sở buôn bán ở chốn kinh sư, giúp đẩy mạnh tiêu thụ những hàng hóa mà dân sự không bán được thì nhà nước thu mua về bán ở sở đó. Ngoài ra, người kinh doanh cần vay tiền cũng có thể vay của nhà nước, và nhà nước sẽ thu được tiền lời từ phía những người này.
4-     Phép bảo giáp: lấy dân làm lính: 10 nhà làm thành một bảo, 500 nhà làm thành một đô bảo; mỗi bảo có đặt hai người chánh phó để dạy dân luyện tập võ nghệ
5-     Phép bảo mã: nhà nước giao ngựa cho các bảo phải nuôi dưỡng, ngựa chết thì dân phải theo giá đã quy định mà đền
(3)  Lý Thường Kiệt: người phường Thái Hòa, huyện Thọ Xương, thành phố Hà Nội
(4)  Năm: một nghìn bảy lăm: năm 1075
(5)  Khâm châu, Liêm châu: thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
(6)  Thành Nam Ninh: tức là Ung châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc
(7)  Băm bảy người: 37 người

VNSL: CHƯƠNG IV - NHÀ LÝ: LÝ NHÂN TÔNG(tt)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét