Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁI TÔNG(tt1)




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ

3/ VIỆC CAI TRỊ:
Vẫn theo phép nhà Lý
Việc cai quản dân làng
Xã quan phải nắm rõ
Làng có bao nhiêu người:
Từ quan văn, quan võ
Từ viên chức thư lại
Đến những người đi lính
Người độ tuổi hoàng nam
Cho đến những người già
Kể cả người tàn tật
Kể cả người ngụ cư
Tất thảy ghi vào sổ
Gọi là sổ “trường tịch”.
Lịch sử nước Nam ta
Chép ra một trang mới
Với chính sách bấy giờ
Ai người nam giới bình dân
Được ghi chép cùng phân thứ hạng:
Những chàng trai mười tám-đôi mươi
Được xếp vào tiểu hoàng nam một hạng;
Đại hoàng nam, thứ hạng tiếp theo
Gồm tuổi đôi mươi đến sáu mươi;
Đàn ông trên độ tuổi sáu mươi
Các vị ấy thuộc về lão hạng.
Phân hạng ra như thế
Dễ dàng thuận lợi hơn
Trong quản lý nhân khẩu
Trong công việc thuế má
Và trong việc quân binh
khi non nước chiến chinh
dễ bề tuyển lính tráng.
Ai có được chức quan
Người con được thừa ấm
Sau cũng sẽ làm quan;
Còn những kẻ dân thường
Dẫu rằng họ giàu sang
Cũng phải đi quân dịch!
Tháng tám năm mậu tý
Nghìn hai trăm hăm tám(1)
Vua Thái Tông giáng chỉ
Cử người vào Thanh Hóa
Ghi chép lại trường tịch
Theo như lệ nhà Lý.
Tháng hai, năm nhâm dần
Nghìn hai trăm bốn hai(2)
Vua Thái Tông ra lệnh
Phân chia lại lãnh thổ
Làm thành mười hai lộ
Quan trông coi mỗi lộ
Gọi là An phủ sứ
Dưới quyền An phủ sứ
Chánh-phó có hai người;
Dưới nữa, có các quan
Tiểu và đại tư xã(3)
Những vị quan chức này
Cai quản hai, ba xã
Cũng có những vị quan
Phải trông coi bốn xã
Mỗi xã có xã quan
Gọi là Chánh sử giám...
Mười hai lộ cả thảy
Lộ nào như lộ nấy
Đều có quyển sổ riêng
Đấy là sổ dân tịch.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm hăm tám: 1228
(2)          Nghìn hai trăm bốn hai: 1242
(3)          Tiểu tư xã: quan có hàm lục phẩm trở xuống; đại tư xã: quan có hàm ngũ phẩm trở lên

4/ VIỆC THUẾ MÁ:
Dựa vào sổ dân tịch
Triều đình thuận lợi hơn
Trong công việc thuế má
Thuế chia ra nhiều hạng
Thứ nhất phải kể thuế thân
Người nào có ruộng phải đóng thuế thân
Mỗi năm thu thuế một lần:
Có một-hai mẫu, chỉ đóng một quan;
Ba-bốn mẫu, đóng hai quan;
Người 5 mẫu, người trên 5 mẫu
Họ đều đóng thuế với ba quan tiền.(1)
Hai là thuế ruộng, thuế điền
Chẳng thu bằng tiền, cứ thóc mà thu
Một mẫu ruộng, thu một trăm thăng(2) thóc
Đó là đối với ruộng dân
Ruộng công(3), mức thuế có phần thấp hơn...
Ngoài thuế đất, thuế ruộng trồng lúa
Còn là những loại kể sau:
Thuế đánh vào ruộng ao, ruộng muối
Thuế trầu cau, thuế hương yên tức(4)
Thuế hoa quả, thuế cá, thuế tôm...
Người thu lợi phải tròn nghĩa vụ
Lệnh vua ban xuống rõ ràng.
Nhà nước đúc tiền vàng
Và chia thành phân, lượng
Có đóng mộc lưu hành
Thuận tiện trong mua bán!
Chú thích:
(1)          Quan tiền: thời đó tiền được đúc bằng vàng bạc. Trao đổi giữa người dân với nhau thì một quan tiền ăn 69 đồng, còn người dân nộp thuế cho vua quan thì 1 quan tiền là 70 đồng. Vàng bạc cũng được trao đổi dưới dạng đã đúc sẵn thành phân, lượng có hiệu nhà nước.
(2)          Thăng: ngày xưa dân ta thường đo lường thóc lúa bằng các đơn vị như thưng(thăng), giạ; có nhiều tài liệu ghi chép lại không thống nhất với nhau, nhưng tựu chung có thể nói một cách khái quát rằng: 1 thăng tương đương với 3 lít thóc.
(3) Ruộng công: đời nhà Trần có hai thứ ruộng công, phân chia theo thứ hạng như sau:
1. Ruộng quốc khố phải nộp thuế theo 3 thứ hạng: hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế 6 thạch tức là 80 thăng thóc; hạng nhì mỗi mẫu 4 thạch(tương đương 53,3 thăng); hạng 3 mỗi mẫu 3 thạch(40 thăng).
2. Thác điền: hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế một thạch thóc; hạng nhì ba mẫu lấy một thạch, hạng ba, bốn mẫu lấy một thạch.(Thạch: tương đương 278,3 lít thóc, hay 150kg gạo)
(4) Hương yên tức: nhựa của cây cánh kiến trắng

5/ VIỆC ĐẮP ĐÊ:
Qua nhiều mùa mưa lũ
Làm ngập lụt ruộng đồng
Gây thiệt hại cho dân
Năm ấy, năm mậu thân
Nghìn hai trăm bốn bốn(1)
Muốn tránh nạn ngập lụt
Vua sai các quan chức
Khởi sự việc đắp đê
Ven bờ sông Hồng Hà
Và đặt quan trông coi
Gọi là Hà đê sứ;
Đê đắp vào ruộng dân
Chủ ruộng được bồi thường
Căn cứ theo giá ruộng
Nhà nước đền cho dân.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm bốn bốn: 1244

6/ VIỆC HỌC HÀNH:
Tháng hai, năm nhâm thìn
Nghìn hai trăm băm hai(1)
Lần đầu tiên mở hội
Hội thi Thái học sinh(2)
Vua Trần chọn Tiến sĩ
Xếp hạng nhất, nhì, ba
Hễ ai đỗ hàng đầu
Gọi là đệ nhất giáp;
Hai là đệ nhị giáp;
Ba là đệ tam giáp.
Khoa thi năm đinh vị
Nghìn hai trăm bốn bảy(3)
Lại đặt ra tam khôi
Chỉ chọn lấy ba người:
Đứng nhất là trạng nguyên
Đứng nhì là bảng nhãn
Thứ ba là thám hoa;
Đỗ bảng nhãn năm đó
Chính là Lê Văn Hưu
Người đầu tiên chép sử
Của nước Việt Nam ta.
Và cũng trong năm này
Có khoa thi Tam giáo(4)
Dành cho người tu tập
Mở rộng đường học vấn.
Rồi đến năm quý sửu
Nghìn hai trăm năm ba(5)
Quốc học viện ra đời
Dạy tứ thư ngũ kinh
Có cả giảng võ đường
Cho người ham học võ.
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm băm hai: 1232
(2)          Thái học sinh: thi Tiến sĩ
(3)          Nghìn hai trăm bốn bảy: 1247
(4)          Tam giáo: Nho giáo, Thích giáo, và Lão giáo
(5)          Nghìn hai trăm năm ba: 1253

7/VIỆC PHÁP LUẬT:
Tháng Ba năm canh dần
Nghìn hai trăm ba mươi(1)
Vua Thái Tông giáng chỉ
Cải tổ lại luật pháp
Bộ luật mới ra đời
Là “Quốc triều hình luật”
Gồm có hai mươi quyển
(Nay nó đã thất truyền;);
Lần thứ hai cải tổ
Vào một năm giáp thìn
Nghìn hai trăm bốn bốn(2)
Sách “Lịch triều hiến chương(3)
Có đoạn chép thế này:
Người phạm tội trộm cắp
Phải chặt chân, chặt tay
Hoặc, để cho voi dày...
Luật ngày xưa như vậy
Ta có thể hình dung
Những tội hình thời ấy
Nghiêm ngặt hơn bây giờ!
Chú thích:
(1)          Nghìn hai trăm ba mươi: 1230
(2)          Nghìn hai trăm bốn bốn: 1244
(3)          Lịch triều hiến chương: của Phan Huy Chú

8/QUAN CHẾ:
Đời vua Trần Thái Tông
Toàn hệ thống quan chế
Được vua cho cải tổ
Sắp xếp lại như sau:
Văn đại thần gồm Tam công, Tam thiếu và Thái úy
Quý quan bên võ gồm Tư mã, Tư đồ và Tư không
Riêng Tể tướng, đã có mấy loại chức danh tên gọi
Này: Tả hữu Tướng quốc, này: Thủ tướng, này: Tham tri;
Ngoài các đại thần, triều đình cũng còn nhiều chức quan khác nữa(*);
Quan ở mỗi địa phương gồm có:
An phủ sứ, Tri phủ, Thông phán, và Thiêm phán,... đó chính là các bậc quan văn;
Kinh lược sứ, Phòng ngự sứ, Thủ ngự sứ, Quan sát sứ
Cùng với Đô hộ, Đô thống, và Tổng quản,... đấy  là các chức danh quan võ.
Lệnh vua ban xuống rõ ràng:
Mười năm đằng đẵng làm quan
Tất sẽ thăng hàm cho kẻ có công
Thăng lên một chức, cần mười lăm năm
Chú thích:
(*)Dưới các quan đại thần, trong triều đình còn có các quan văn là: Thượng thư các bộ, Tả hữu tham tri, Tả hữu gián nghị, Trung thư thị lang, Thị lang các bộ, Tả hữu ty lang trung, Ngự sử đại phu, Ngự sử trung tướng...; các quan võ là: Phiêu kỵ thượng tướng quân, Cấm vệ thượng tướng quân, Kim ngô đại tướng quân, Võ vệ đại tướng quân, Phó đô tướng quân,...

9/BINH CHẾ:
Trần Thái Tông làm vua
Chú trọng việc binh lính
Chỉnh đốn qua từng ngày
Những ai là trai tráng
Họ đều phải tòng quân;
Quyền mộ tập quân lính
Trao cho cả thân vương
Nhờ chính sách cởi mở
Quân lính ngày một tăng
Giúp nhà vua giữ nước.
Nước Đại Việt bấy giờ
Bắc có quân Mông Cổ
Nam có quân Chiêm Thành
Thường xuyên sang quấy phá
Nước ta luôn sẵn sàng
Trong tay Trần Thái Tông
Hơn hai mươi vạn lính
Vua, tôi cùng đánh giặc!

10/VIỆC ĐÁNH CHIÊM THÀNH:
Theo tiền lệ thời Lý
Nhà vua nước Chiêm Thành
Vẫn triều cống nước ta
Mà lòng vua chẳng phục
Muốn đòi lại đất cũ(1)
Từ tay Trần Thái Tông;
Bọn binh lính Chiêm Thành
Thường kéo sang Đại Việt
Quấy nhiễu miệt biên cương;
Vua Thái Tông giận lắm
Sửa soạn đánh nước Chiêm.
Năm đó, năm nhâm tý
Nghìn hai trăm năm hai(2)
Vua Thái Tông ngự giá
Đem binh đánh Chiêm Thành
Bắt được nhiều quân dân
Trong số quân dân đó
Có nàng Bố-gia-la:
Vợ của vua Chiêm Thành!
Chú thích:
(1)          Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh dẹp giặc Chiêm Thành bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ; Chế Củ cắt đất xin hàng, gồm ba châu: Địa Lý, Bố Chính Và Ma Linh.
(2)          Nghìn hai trăm năm hai: 1252

VNSL: CHƯƠNG V - NHÀ TRẦN: TRẦN THÁI TÔNG(tt2)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét