Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

VNSL: PHẦN HAI - THỜI KỲ BẮC THUỘC





VNSL: PHẦN HAI - THỜI KỲ BẮC THUỘC


I- BẮC THUỘC LẦN THỨ NHẤT: (111 tr. CN-39 SCN)
1/ NHÀ TÂY HÁN:
Năm một trăm mười một
Thời gian trước Tây lịch*
Tức là năm canh ngọ
Võ tướng Lộ Bác Đức
Cùng tướng quân Dương Bộc
Dẫn dắt năm đạo binh
Sang chiếm nước Nam Việt
Theo lệnh nhà Tây Hán
Họ cải tên nước ta
Gọi là Giao Chỉ bộ.

Để đô hộ xứ này
Họ chia thành chín quận:
Một là quận Nam Hải(1)
Hai là quận Hợp Phố(2)
Ba là quận Thương Ngô(3)
Bốn là quận Uất Lâm(4)
Năm là quận Giao Chỉ(5)
Sáu là quận Cửu Chân(6)
Bảy là Nhật Nam quận(7)
Tám là quận Châu Nhai(8)
Chín là quận Đạm Nhĩ.(9)

Đứng đầu mỗi một quận
Là ông quan thái thú
Được vua Tàu cử sang
Quyền uy bao trùm lắm
Nắm trong tay mọi việc
Lệnh truyền cho cấp dưới
Cai trị người Việt ta.
Lại có quan thứ sử
Cũng bên Tàu cử sang
Quan này chuyên giám sát
Trông coi cả chín quận
Rồi bận rộn về tâu
Để thiên triều(10) biết rõ
Ngõ hầu kịp chỉnh trang.
Đối với các bộ lạc(11)
Đã quen sống hợp bầy
Dưới quyền người tù trưởng
Họ có truyền thống riêng;
  trong quận Giao Chỉ
Những lạc hầu lạc tướng
Từ thời vua Hùng vương
Đã được quyền thế tập(12)
Đời cha truyền đời con
Nay theo thông lệ cũ
Họ được giữ chức quan
Lo toan cho thị tộc.(13)
Tục ấy nay vẫn còn
Rải rác miền thượng du
Có một số buôn làng
Già làng đứng trông coi...

Lại nói về quan Tàu
Quan thứ sử đầu tiên
Được cử sang đất Việt
Ông tên là Thạch Đái
Đóng phủ ở Long Uyên.(14)
Rồi sử Tàu im bặt
Tịnh không chép chữ nào
Dân tình ta ra sao
Họ chẳng hề nhắc đến!

Nhà Tây Hán qua đi
Chuyển sang nhà Đông Hán
Lại thấy sử chép rằng:
“Năm Kiến Vũ thứ năm(15)
Tức là năm hăm chín(16)
Thời gian sau Tây lịch
Đời vua Hán Quang Vũ
Thứ sử tên Đặng Nhượng
Sai sứ từ Giao Chỉ
Về triều đình cống lễ.”
Vậy trước đó thế nào
Chuyện gì đã xảy ra
  đất Giao Chỉ bộ?
Số là, ở bên này
Nghe tin về Vương Mãng(17)
Mãng đã tiếm ngôi vua
Rồi lập ra Tân triều
Tự xưng là Tân đế
Vì cơ sự là thế
Làm lao xao đất Việt!
Có ba vị quan Tàu
Đặng Nhượng và Tích Quang
Cùng với ông Đỗ Mục
Chẳng chịu phục Tân triều
Họ bàn bạc với nhau
Quyết  không về triều cống.
Nay nhà Hán trở lại
Hán Quang Vũ trung hưng
Họ vui mừng hớn hở
Cử người đi cống triều.

Chú thích:
*Tây lịch: hay còn gọi là dương lịch
(1) & (2) Quận Nam Hải và quận Hợp Phố: tỉnh Quảng Đông bên Tàu ngày nay
(3( & (4) Quận Thương Ngô và quận Uất Lâm: tỉnh Quảng Tây bên Tàu ngày nay
(5) Quận Giao Chỉ: gồm Bắc Việt và mấy tỉnh phía bắc miền Trung nước ta ngày nay
(6) Quận Cửu Chân: gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một phần của Ninh Bình ngày nay
(7) Quận Nhật Nam: từ đèo Ngang tỉnh Quảng Bình cho đến tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay
(8) & (9) Quận Đạm Nhĩ và Châu Nhai: thuộc đảo Hải Nam nước Tàu
(10) Thiên triều: triều đình Trung Quốc, trong quan hệ với các nước láng giềng phụ thuộc thời phong kiến , họ thường tự xưng là thiên triều
(11) Thế tập: quyền được thừa hưởng tước vị của cha ông truyền lại
(12) Bộ lạc: một số thị tộc thân thuộc có chung một tên gọi, có chung tài sản và ngôn ngữ, sống cạnh nhau trên một vùng đất đai thuộc sở hữu của họ
(13) Thị tộc: gồm nhiều gia đình lớn có cùng một tổ tiên và có kinh tế chung
(14) Phủ Long Uyên: nơi làm việc, nơi ở của quan lại; Long Uyên: sau này gọi là Long Biên
(15) Năm Kiến Võ thứ nhất: là năm 25 Tây lịch, mở đầu cho nhà Đông Hán ở bên Tàu
(16) Năm hăm chín: năm 29 SCN(sau công nguyên)
(17) Vương Mãng: một đại thần của Hán triều có nhiều quyền thế trong tay, sau cướp ngôi vua, rồi xưng làm hoàng đế, tục gọi là Tân đế Mãng. Trong 16 năm ở ngôi vua, ông đã thực hiện nhiều cuộc cải cách táo bạo, ý tưởng thì tốt nhưng chưa hợp thời cơ, dẫn đến sự phẫn nộ của nhân dân, cuối cùng ông bị chết phanh thây bởi quân khởi nghĩa. Ngôi vua trở lại vào tay nhà Hán, gọi là Đông Hán.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét