Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

VNSL: PHẦN PHỤ LỤC - KẾT QUẢ CỦA THỜI KỲ BẮC THUỘC


1. NGƯỜI NƯỚC NAM NHIỄM VĂN MINH CỦA TÀU. Từ khi vua Vũ đế nhà Hán sai Lộ bác Đức sang đánh lấy Nam việt cho đến đời Ngũ Quí, ông Ngô Quyền đánh đuổi người Tàu về bắc, tính vừa tròn 1.050 năm.
Xứ Giao châu ta bị người Tàu sang cai trị lâu năm, thì cũng bị ảnh hưởng ít nhiều về mặt văn hóa cũng như tôn giáo, một số phong tục tập quán và lối sinh hoạt thường ngày của người Tàu cũng phần nào đã ăn sâu vào lối sống của dân ta. Khi đất Giao châu còn gọi là Văn lang hay là Âu lạc thì người bản xứ ăn ở thế nào, phong tục làm sao, nay cũng không có di tích gì mà kê cứu ra cho rõ được. Có lẽ cũng tựa hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng du đất Bắc Việt bây giờ. Giả sử có đem vua Hùng vương họ Hồng bàng và vua An dương vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan lang ở mạn thượng du thì dễ thường cũng không xa sự thực là mấy. Nhưng đây cũng chỉ là sự phỏng đoán mà thôi. Dẫu thế nào mặc lòng, hết đời Bắc thuộc rồi thì người Giao châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với nước Tàu. Duy chỉ có sự sùng tín, sự học vấn, cách cai trị thì bao giờ mình cũng chịu ảnh hưởng của Tàu.

2. NHO GIÁO. Nho giáo sinh ra từ đức Khổng tử. Ngài tên là Khâu Trọng Ni, sinh ở nước Lỗ, thuộc tỉnh Sơn đông, vào năm 551 trước Tây lịch, về đời vua Linh vương nhà Chu. Ngài sinh ra vào đời Xuân Thu, có Ngũ bá tranh cường, dân tình khổ sở, phong tục bại hoại. Ngài muốn lấy đạo luân thường mà dạy người ta cách ăn ở với nhau trong đời. Ngài đi du lịch trong mấy nước chư hầu, hết nước nọ qua đến nước kia, môn đệ theo ngài cũng nhiều. Đến lúc già, ngài trở về nước Lỗ, soạn kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, định kinh Lễ, kinh Nhạc, và làm ra kinh Xuân Thu. Rồi đến năm 479 tr. Tây lịch về đời vua Kính vương nhà Chu, thì Ngài mất, thọ được 72 tuổi.
Ngài chỉ cốt lấy những điều hợp với bản tính của loài người mà dạy người, chứ không dạy những điều u uẩn huyền diệu khác với đạo thường. Ngài nói rằng: “Đạo không xa cái bản tính người ta, hễ vì đạo mà xa cái bản tính ấy thì đạo ấy không phải là đạo.”
Bởi vậy cái tông chỉ của Ngài là chủ lấy Hiếu, Đễ, Trung, Thứ làm gốc, và lấy sự sửa mình làm cốt mà dạy người. Ngài chỉ dạy người về sự thực tế hiện tại, chứ những điều viễn vông ngoài các sinh hoạt ở trần thế ra thì ngài không bàn đến. Nói đến sự sống chết thì Ngài bảo rằng: “Chưa biết được việc sống, sao đã biết được việc chết. Nói đến việc quỉ thần thì ngài bảo rằng: quỉ thần thì nên kính, mà không nên nói đến.
Đối với mọi người thì ngài dạy: Điều gì mà mình không muốn người ta làm cho mình, thì mình đừng làm cho ai.

3. ĐẠO GIÁO. Đạo giáo là bởi đạo của ông Lão tử, Lão tử là người nước Sở, thuộc tỉnh Hồ bắc,, ông tên là Lý Đam, sinh vào năm 604 tr. Tây lịch về đời vua Định vương nhà Chu, sống được 81 tuổi, đến năm 523 tr. Tây lịch, vào đời vua Cảnh vương nhà Chu thì mất.
Tông chỉ của Lão tử là trước khi có trời đất, thì chỉ có Đạo. Đạo là bản thể của vũ trụ, là cái gốc nguyên thủy của các sự tạo hóa. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy sửa mình và trị nước nên phải theo Đạo, nghĩa là người ta nên điềm tĩnh, vô vi, cứ tự nhiên, chứ không nên dùng trí lực. Lão Tử soạn ra sách Đạo đức kinh, rồi sau có Văn tử, Thi tử, Trang tử và Liệt tử noi theo mà truyền bá cái tông chỉ ấy.
Đạo của Lão tử lúc đầu là một môn triết học rất cao siêu, nhưng về sau cái học thuyết biến đổi đi, rồi những người giảng thuật thần tiên cũng phụ theo đạo ấy mà nói những chuyện số kiếp và những sự tu luyện để được phép trường sinh bất tử v. v... Bởi vậy đạo Lão mới thành ra Đạo giáo là một đạo thần tiên, phù thủy, và những người theo Đạo giáo gọi là đạo sĩ.

4. PHẬT GIÁO. Tị tổ đạo Phật là đức Thích ca Mầu ni
Các nhà bác học ngày nay cho rằng, ngài sinh vào năm 558 hay là 520, cùng một thời với Khổng tử. Đức Thích ca là con một nhà quí tộc đất Ấn độ. Ngài đã lấy vợ, có con, nhưng vì thấy người ta ở trần thế này không ai khỏi được những khổ não như sinh, lão, bệnh, tử; cho nên, ngài bỏ cả vợ con mà đi tu, để cầu phép giải thoát. Vậy đạo Phật cốt có hai chủ ý: một là đời là cuộc khổ não; hai là sự thoát khỏi khổ não. Người ta gặp phải những sự khổ não như thế là tại mình cứ mắc trong vòng luân hồi mãi. Vậy muốn cho khỏi sự khổ não thì phải ra ngoài luân hồi mới được; mà ra ngoài luân hồi thì phải cắt cho đứt những cái nhân duyên nó trói buộc mình ở trần gian này. Ra được ngoài Luân hồi thì lên đến cõi nát bàn, tức là thành Phật, bất sinh bất tuyệt.

5. SỰ TIẾN HÓA CỦA NGƯỜI NƯỚC NAM. Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý; mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.
Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người dân mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự dân mình không thấy có sự cần thiết tìm kiếm và sáng tạo ra điều gì gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao?
Có lẽ một là tại địa thế nước Nam ta, hai là cách ăn ở của người mình.
Phàm sự tiến hóa của một xã hội cũng như công việc của một người, phải có cái gì đó nó thúc đẩy mình, nó bắt phải cố sức mà tiến hóa thì mới tiến hóa được.
(Trích trong Việt Nam Sử Lược của TRẦN TRỌNG KIM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét