Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

VNSL: CHƯƠNG VI-CHỐNG QUÂN NGUYÊN MÔNG LẦN I: THOÁT HOAN SANG ĐÁNH LẦN THỨ NHẤT




VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ

VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ


3/ THOÁT HOAN SANG ĐÁNH LẦN THỨ NHẤT:
Sài Thung ôm vết thương
Về ra mắt Nguyên chủ
Nguyên chủ đầy giận dữ
Bèn cử con trai mình
Là Thoát Hoan, Thái tử
Đi làm Trấn Nam vương;
Thoát Hoan vội thi hành
Cùng năm mươi vạn binh
Chuẩn bị đi chiến đấu
Họ rỉ tai nhau rằng
Muốn mượn đường An Nam
Đi đánh nước Chiêm Thành.

Quan Trấn thủ Lạng Sơn
Bắt được tin do thám
Cấp báo về Thăng Long.
Vua Nhân Tông ngự thuyền
Ra bến sông Bình Than(1)
Hội với các vương hầu
Cùng chư tướng, bách quan
Đồng bàn mưu chống giặc:
Có quan nói như vầy:
“Cho mượn đường cũng được!”;
Có quan lại hiến kế:
“Nên tiến lễ vua Tàu
Để rồi xin hoãn binh...”;
Duy có Trần Quốc Tuấn
Cùng ông Trần Khánh Dư
Hai ông này quả quyết:
“Hãy đem quân phòng ngự
Những nơi nào hiểm yếu
Đặt lính canh cẩn mật
Ngăn chặn bước quân Nguyên...”
Những lời tâu nhiệt huyết
Khiến nhà vua tin tưởng!

Tháng mười, năm quý mùi
Nghìn hai trăm tám ba(2)
Vua Nhân Tông giáng chỉ
Phong cho Hưng Đạo Vương(3)
Làm Quốc công tiết chế
Thống lĩnh các đạo binh
Chống giặc Nguyên, giữ nước.

Tháng tám năm giáp thân
Nghìn hai trăm tám bốn(4)
Hưng Đạo Vương truyền hịch
Hội tụ các vương hầu
Cùng tất cả quân sĩ
Tại bến Đông Bộ Đầu
Tổ chức buổi duyệt binh
Cả hai bên thủy, bộ
Gồm hai mươi vạn người;
Trước toàn thể chư quân
Hưng Đạo Vương giáo huấn:
“Bản chức phụng mệnh vua
Cùng các ngươi phá giặc
Hỡi vương hầu, tướng sĩ
Ai nấy nên giữ gìn
Không được quấy nhiễu dân
Đồng lòng, ta đánh giặc
Chớ thấy thua mà nản
Chớ thấy được mà kiêu
Việc quân binh có luật
Phép nước chẳng vị thân
Các ngươi cần nghiêm giữ!”.
Khi đã giáo huấn xong
Vương sai Trần Bình Trọng
Đem quân đi đóng trại
Tại bến sông Bình Than;
Còn ở mặt Vân Đồn(5)
Vương cử Trần Khánh Dư
Điều động binh ra giữ;
Các tướng khác cũng vậy
Ai nấy đều nhận lệnh
Đến các nơi hiểm yếu
Nghiêm ngặt đặt quân canh;
Phân phó xong đâu đấy
Quốc Tuấn dẫn đại quân
Về đóng ở Vạn Kiếp(6)
Phòng tiếp ứng các nơi.

Qua một thời gian ngắn
Có tin về Thăng Long
Quân Nguyên đông rất đông
Quần tụ nơi Hồ Quảng
Bọn chúng đã sẵn sàng
Kéo sang mặt Lạng Sơn!
E rằng không cự nổi
Vua sai sứ sang Tàu
Mang theo nhiều lễ vật
Xin vua Nguyên hoãn binh
Để rồi thương nghị lại
Nhưng việc này thất bại
Vua nhà Nguyên đã quyết
Tiến binh sang Đại Việt!
Vua Nhân Tông biết vậy
Kíp triệu tập quần thần
Cùng bô lão dân gian
Hội tại điện Diên Hồng
Bàn định: HÒA hay CHIẾN???
Các bô lão đồng thanh
Cùng hô vang: “QUYẾT CHIẾN!”

Quân Nguyên chia hai đạo:
Một theo lệnh Toa Đô
Mười vạn quân đường biển
Họ lên đường tức khắc
Xuất phát từ Quảng Châu
Tiến đánh nước Chiêm Thành;
Sau đó một thời gian
Đại binh theo Thoát Hoan
Mới xuất phát lên đường
Hướng về đất An Nam
Khi đến gần biên giới
Hoan sai người đưa thư
Ý trong thư vờ vịt
Hỏi mượn đường nước Nam
Để đi đánh Chiêm Thành.
Nhân Tông trả lời thư:
“Tự đây sang Chiêm Thành
Không có đường nào tiện!”
Vừa nghe câu hồi đáp
Thoát Hoan giận đùng đùng
Thúc quân tới Lạng Sơn
Hắn sai quan A Lý
Nói với Hưng Đạo Vương:
“Bản súy chỉ mượn đường
Đi qua đánh nước Chiêm
Không có ý gì khác
Xin tướng quân đừng ngại
Mở cửa ải cho qua
Và cho mượn lương thảo
Khi nào xong việc lớn
Sẽ trọng tạ về sau;
Nhược bằng muốn kháng cự
Bản súy chẳng dung tình
Sẽ phá tan bờ cõi
Hối cũng chẳng kịp đâu!”
Hưng Đạo Vương nổi giận
Đuổi tên A Lý về
Rồi lệnh cho tướng sĩ
Giữ chặt các ải quan
Còn phía bên thủy lộ
Ngài cho đặt chiến thuyền
Canh phòng ở Bái Tân(7)
Vương tự dẫn đại quân
Tiến lên núi Kỳ Cấp.
Chú thích:
(1)       Bến sông Bình Than: chỗ sông Đuống nối với sông Thái Bình, thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh.
(2)       Nghìn hai trăm tám ba: 1283
(3)       Hưng Đạo Vương: vương hiệu của Trần Quốc Tuấn
(4)       Nghìn hai trăm tám bốn: 1284
(5)       Vân Đồn: thuộc Vân Hải, tỉnh Quảng Yên
(6)       Vạn Kiếp: làng Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương
(7)       Bái Tân: ở  thượng lưu sông Lục Nam, có lẽ là bến Chữ.

VNSL: CHƯƠNG VI-CHỐNG QUÂN NGUYÊN MÔNG LẦN I: TRẦN HƯNG ĐẠO VƯƠNG QUÂN THUA VỀ VẠN KIẾP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét