VIỆT NAM SỬ LƯỢC TRONG THƠ
VNSL: PHẦN BA - THỜI KỲ TỰ CHỦ
8/ TRẬN HÀM TỬ QUAN-TRẦN NHẬT
DUẬT PHÁ QUÂN TOA ĐÔ:
Đạo quân của Toa Đô
Từ Chiêm Thành kéo đến
Vây đánh đất Nghệ An;
Trần Quang Khải tới chặn
Nhưng không sao chặn nổi
Đành cho quân lùi về
Chặn các đường hiểm yếu.
Quân nhà Nguyên tuy mạnh
Đánh mãi vẫn chẳng xong
Lương thảo thì cạn dần
Toa Đô dẫn quân đi
Cùng với Ô Mã Nhi
Họ xuống thuyền vượt biển
Lên đường ra phương bắc
Hợp binh với Thoát Hoan.
Quang Khải biết tin này
Sai người vào Thanh Hóa
Cấp báo với Nhân Tông
Nhân Tông hội quần thần
Bàn mưu kế chống giặc
Hưng Đạo Vương tâu rằng:
“Toa Đô vượt đường xa
đi qua vùng Ô Lý(1)
Mới tới được Nghệ An
Rồi phải qua Thanh Hóa
Đường sá lắm gập ghềnh
Quân sĩ đầy vất vả
Nay vượt bể ra Bắc
Chắc là sức đã mòn
Ta chọn một quan tướng
Đem quân ra đón đường
Ắt đánh tan bọn chúng!”
Vua Nhân Tông nghe lời
Cho mời Chiêu Văn Vương
Tức là Trần Nhật Duật
Giao cho làm chủ tướng
Trần Quốc Toản(2), phó tướng
Cùng Nguyễn Khoái tướng quân
Dẫn theo năm vạn lính
Đến địa phận Hải Dương
Đón Toa Đô, chặn đường.
Tháng tư năm ất dậu
Nghìn hai trăm tám lăm(3)
Đoàn quân Trần Nhật Duật
Tiến ra Hàm Tử quan(4)
Vừa vặn gặp chiến thuyền
Chở quân của Toa Đô
Quân Nhật Duật vây đánh;
Bấy giờ có Triệu Trung
Cùng binh lính thuộc hạ
Xưa họ là quân Tống
Nay tùng chinh quân Trần
Họ mặc áo, đeo cung
Trông hệt như quân Tống;
Khi hai bên giáp trận
Nhìn thấy bọn Triệu Trung
Quân nhà Nguyên chột dạ:
“Nhà Tống đà khôi phục?
Lấy lại được nước Tàu?
Đem quân cứu An Nam?”
Chúng hoang mang bỏ chạy
Quân nhà Trần đuổi đánh
Bọn giặc Nguyên thua to
Phải bỏ mạng rất nhiều;
Toa Đô phải lùi binh
đóng ở cửa Thiên Trường.
Trần Nhật Duật thắng trận
Sai tướng Trần Quốc Toản
Đưa tin về Thanh Hóa.;
Nhận được thư báo tiệp
Hưng Đạo Vương tâu vua:
“Quân ta vừa thắng trận
Khí lực thời đang hăng
Bên quân Nguyên mới bại
Tất phải có hoang mang
Vậy nên nhân dịp này
Ta đi đánh Thoát Hoan
Mau khôi phục kinh thành!”
Vua Nhân Tông nghe vậy
Truyền sửa soạn tiến binh
Trần Quang Khải kịp về
Xin đi đánh Thoát Hoan
Vua liền sai Quang Khải:
“Hãy thu xếp lên đường
Tái chiếm thành Thăng Long!”
Rồi vua sai truyền hịch
Lệnh cho Chiêu Văn Vương
Đóng quân giữ chặn đường
Cản trở tướng nhà Nguyên
Hợp binh trên đất Việt!
Chú thích:
(1) Ô Lý: ngày đó vùng đất này thuộc Chiêm Thành, ngày nay là Thuận
Hóa thuộc miền trung nước Nam.
(2) Trần Quốc Toản: khi vua Nhân Tông hội các vương hầu ở Bình
Than để bàn việc chống giặc, Trần Quốc Toản bấy giờ mới khoảng 15, 16 tuổi cũng
theo ra hội. Vì còn nhỏ tuổi, không được dự bàn, Quốc Toản bực tức vô cùng,
trong tay cầm quả cam bóp vỡ nát ra lúc nào không biết. Khi tan hội, ai nấy về
lo sửa soạn binh thuyền. Quốc Toản về nhà tụ họp những người thân thuộc, sắm sửa
khí giới, may lá cờ đề sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân”, rồi đem quân đi
đánh giặc. Đánh chỗ nào quân giặc cũng phải lùi.
(3) Nghìn hai trăm tám lăm: 1285
(4) Hàm Tử quan: cửa Hàm Tử, thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên.
9/ TRẬN CHƯƠNG DƯƠNG-TRẦN
QUANG KHẢI KHÔI PHỤC THĂNG LONG:
`Đại binh của Thoát Hoan
Đóng tại Thăng Long thành
Còn trên bến Chương Dương(1)
Chiến thuyền đương chực sẵn.
Bên này, Trần Quan Khải
Cùng hai viên võ tướng
Phạm Ngũ Lão kiên trung
Trần Quốc Toản can trường
Dẫn quân từ Thanh Hóa
Giục thuyền ra đường bể
vòng về bến Chương Dương
Quân nhà Trần sấn đánh
Khí thế rất hăng say
Thuyền quân Nguyên rối loạn
Lính hoảng sợ lên bờ
Bỏ chạy về Thăng Long;
Quan quân ta đổ bộ
Đuổi tới sát chân thành
Quang Khải cho hạ trại;
Thoát Hoan dẫn đại quân
Xông ra ngoài cự địch
Phục binh của Quang Khải
Từ hai bên đánh úp
Quân Nguyên thua lúp xúp
Rút chạy khỏi Thăng Long
Qua bờ kia sông Hồng
Giữ lấy mặt Kinh Bắc.
Thượng tướng Trần Quang Khải
Dẫn quân vào Thăng Long
Trong mừng vui chiến thắng
Ông mở tiệc khao quân
Men rượu bừng thi hứng
Lúc ấy, có thơ rằng:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu(2)”.
Tin vui về Thanh Hóa
Ai nấy đều nức lòng
Vua Nhân Tông mừng rỡ
Đã thắng hai trận liền
Vỏn vẹn trong hai tháng
Quân thế mình mạnh lên
Vua bèn rước Thượng Hoàng
Cùng lệnh cho binh mã
Ra đóng ở Tràng An!(3)
Chú thích:
(1) Bến Chương Dương: huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường
Tín, Hà Nội
(2) Bài thơ Phò Giá Về Kinh của Trần Quang Khải, đây là bản dịch
của tác giả Trần Trọng Kim
(3) Tràng An: thuộc tỉnh Ninh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét