Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

TÔI HỌC LÀM THƠ: 5/ HÌNH THỨC

Hình thức của mỗi bài thơ được quyết định bởi nhiều yếu tố:

1/ Vần(vận) và nhịp điệu

-Vần thường được nhận biết qua các từ có chứa trong câu thơ, còn nhịp điệu thì được nhận biết bằng cách đọc và nghe.

-Đọc thơ và nghe thơ rất quan trọng trong một quá trình sáng tác thơ. Đọc và nghe thơ giúp bạn nhận ra nhịp điệu và âm thanh của bài thơ, để bạn có thể thay đổi những từ ngữ ở chỗ tai bạn nghe chưa vừa ý, cũng như tìm những từ ngữ khác để thay thế sao cho nhịp điệu của bài thơ trở nên mượt mà sôi nổi, hoặc trở nên thiết tha réo rắt hơn.

Đọc thơ phải đúng cách, đó là đọc đúng cách ngắt nhịp trong mỗi dòng thơ, nhịp điệu này tùy thuộc vào những từ ngữ mà tác giả sử dụng. Khi bạn đọc đúng theo nhịp điệu của bài thơ, bạn sẽ hiểu được hết những ý tứ mà tác giả muốn bày tỏ; đồng thời, đọc đúng chỗ ngắt nhịp sẽ tạo cho bài thơ có tiết tấu như một bản nhạc vậy(mời nghe đọc thơ Hai Nghìn Năm Vẫn Đợi)

đọc thơ HAI NGHÌN NĂM VẪN ĐỢI

 

2/ Âm thanh và âm tiết:

-Trong tiếng Việt, mỗi từ có chứa các dấu như: sắc, hỏi, ngã, nặng gọi là thanh trắc; những từ có dấu huyền và không có dấu thì gọi là thanh bằng. Mời xem bài tham khảo dưới đây:

Luật thơ Lục Bát - Song Thất Lục Bát / Cách làm thơ và Luật làm thơ! * Sai Mon Thi Dan

 

Những từ phát ra âm thanh nghe giống nhau được sử dụng để gieo vần cho những câu thơ trong một bài thơ, đối với mỗi thể loại thơ thì có những luật gieo vần của riêng nó.

-Mỗi từ của tiếng Việt chỉ có một âm tiết, vì thế số từ trong mỗi dòng thơ Việt cũng chính là số âm tiết của câu thơ. Khác với tiếng Việt, mỗi từ trong tiếng Anh có từ 1-5 âm tiết. Ví dụ: international  có 5 âm tiết.

-Số từ trong mỗi dòng thơ, hay một cặp câu liên tiếp tùy thuộc vào thể loại thơ, hoặc tùy thuộc ý tưởng của tác giả(đối với thơ tự do)

Một số ví dụ minh họa:

*Thơ Lục Bát là thể thơ gồm các cặp câu “lục bát”, mỗi cặp gồm một câu 6 chữ(6 âm tiết) và một câu 8 chữ(8 âm tiết)-ví dụ:

    Lá ơi, hát khúc yêu thương

Cho em ôm trọn quê hương vào lòng

  (trích :”Lá ơi!” Hoa Mặt Trời)

*Thơ Song Thất Lục Bát là thể thơ trong đó có nhiều tứ thơ, mỗi tứ thơ gồm có hai câu 7 chữ(Song Thất) trước một cặp câu Lục Bát. Ví dụ:

Đêm trở giấc canh khuya lẻ bóng

Tựa thềm hoa lặng ngóng trông ai

Lệ tuôn đẫm ướt mi dài

Có hay chăng hỡi non đoài người ơi

  (trích “Nhớ người trong thơ” tác giả Hoàng Mai

 

3/ Khổ thơ: là một đơn vị trong cấu trúc của một bài thơ, nó tương tự như một đoạn ở văn xuôi. Trong một bài thơ gồm nhiều khổ thơ, thì giữa các khổ thơ được chia cách bằng một dòng trắng. Mỗi khổ thơ có thể gồm 3, 4, 5, 6, hay 7-8 dòng tùy theo ý tưởng của tác giả.

Thơ Việt Nam có nhiều thể loại, mỗi hình thái lại có những luật riêng trong cách gieo vần và chọn câu chữ. Ví dụ như thơ Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Thất Ngôn Tứ Tuyệt, Thất Ngôn Bát Cú... Mời xem bài tham khảo dưới đây:

Hướng dẫn làm thơ lục bát và song thất lục bát hay dành cho mọi lứa tuổi - Kênh học đường

 

Ngoài ra, còn có thơ ngũ ngôn, mỗi câu thơ gồm 5 âm tiết... Thơ tự do thì không quy định là bao nhiêu âm tiết cũng như không có quy tắc rõ ràng trong khi gieo vần; tuy nhiên, nó vẫn phải có nhịp điệu và vần điệu hẳn hoi, điều đó tùy thuộc vào cảm hứng của tác giả, và tùy thuộc vào ý tưởng của dòng thơ.

 

4/ Ngoài 3 yếu tố cấu thành một bài thơ như: nhịp điệu, vận luật và khổ thơ; còn có những yếu tố khác như: câu vắt dòng, sự ngắt nhịp, dấu chấm câu, sự lập lại một từ hoặc một nhóm từ, hoặc một số từ với âm thanh tương tự xuyên suốt bài thơ.

Khi chúng ta nghe những câu thơ có dấu ngắt câu hoặc những câu thơ vắt dòng, hoặc những từ được lập đi lập lại nhiều lần, ta có cảm giác mạnh mẽ, da diết, nhanh hoặc chậm như tiết tấu của một bài hát vậy.

*Câu vắt dòng: một câu chạy từ 1 dòng thơ này đến dòng kế tiếp mà không có dấu ngắt câu

Ta hãy xem xét những câu thơ dưới đây:

Ánh mắt ấy xao xuyến trong vườn Giệt-si-ma-ni

Một ánh mắt hiến dâng, trút hơi thở cuối cùng!

 

Ánh mắt ấy, hai nghìn năm vẫn đợi

Đợi...

Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

Đợi...

Một ánh mắt ân cần bên vệ đường

Nhìn người ăn xin khốn khó.

Và ở đâu sẽ có,

Một ánh mắt đỡ nâng người tuyệt vọng?

Khích lệ kẻ yếu đuối?

Bênh vực kẻ thế cô?

 

Đôi mắt ấy, hai nghìn năm vẫn đợi

Kiên nhẫn đợi trên thập tự loang lổ máu

    Trích trong “Hai nghìn năm vẫn đợi” tác giả Vũ Thủy

Có thể thấy đây là bài thơ viết theo thể loại tự do, số từ và số câu trong mỗi khổ thơ không giống nhau. Trong những câu thơ này có những từ và cụm từ được lập đi lập lại nhiều lần như: đợi, tìm, ánh mắt...

  Và có những câu thơ vắt dòng như dưới đây:

1-- Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

    Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

    Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

2-- Một ánh mắt ân cần bên vệ đường

    Nhìn người ăn xin khốn khó.

    Và ở đâu sẽ có,...

*Chú ý: Không phải thơ tự do là muốn viết một dòng mấy từ thì viết, nó tùy thuộc vào sự ngắt nhịp và nhịp điệu cũng như sự gieo vần:

  Ta hãy phân tích khổ thơ:

Đợi...

Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

**Đợi... dòng này chỉ có một từ với dấu chấm lửng, đã thể hiện sự chờ đợi có vẻ như lâu lắm vậy.

  Ta hãy xem xét câu thơ vắt dòng của khổ thơ đó:

**Một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

  Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

  Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

Dòng thơ đầu, tác giả đã ngắt câu ở chữ “lỡ” và dòng thứ hai ở chữ “nhỡ”, tạo cho hai dòng thơ này ăn vần với nhau: “lỡ” và “nhỡ”. Dòng thứ hai và dòng thứ ba đều bắt đầu bằng chữ “Tìm”, đã tạo nên sự kết dính giữa hai câu thơ, ở đây có yếu tố liệt kê như ta đã bàn luận ở bài số 2; đồng thời có sự nhấn mạnh đối với từ “Tìm” tạo cho những vần thơ càng trở nên nổi bật. Giả sử, ta thay đổi chỗ ngắt dòng, thì hiệu quả sẽ khác đi:

Ví dụ 1: Đợi... một ánh mắt cảm thông tìm con người lầm lỡ

         Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

         Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

Ví dụ 2: Đợi một ánh mắt cảm thông

         Tìm con người lầm lỡ

         Tìm sẻ chia cho những ai cơ nhỡ

         Tìm an ủi bên một người đang than khóc.

 Trong cả 2 trường hợp, hiệu quả đã khác biệt rất nhiều so với nguyên bản; điều này sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn khi ta đọc đi đọc lại nhiều lần những câu thơ trên. Và, tất nhiên tác giả cũng đã đọc đi đọc lại nhiều lần bản nháp của mình, chỉnh sửa nhiều lần rồi mới đi tới kết cuộc của bài thơ có hình thức như đã trình bày ở trên.

  Mời bạn xem bài kế tiếp: 6 SỰ ĐỊNH HÌNH & CHỈNH SỬA

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét