Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

TÔI HỌC LÀM THƠ: 3/ QUAN SÁT

*Những bài thơ dựa trên sự quan sát kỹ lưỡng sẽ để lại một ấn tượng lâu dài.

Tại sao ư? Bạn quan sát một đối tượng càng kỹ lưỡng bao nhiêu, thì bạn sẽ nắm bắt được càng nhiều điều đang ẩn chứa trong đối tượng đó; và vì vậy, bạn có thể diễn tả lại những điều bạn muốn nói trong bài thơ một cách sâu sắc hơn.

Hơn nữa, sự nhận biết ở lại lâu dài trong trí óc người đọc; vì vậy, những gì bạn quan sát được sẽ đóng góp rất nhiều vào việc làm nên một bài thơ có yếu tố Ký Ức.

  Ví dụ:

Bạn có thể đọc được tâm sự của tác giả qua một vài hình ảnh được miêu tả lại trong bài thơ dưới đây:

            BIỂN NHỚ

 

Ơi! Biển gọi, nghe thăm thẳm từ xa

Trời bao la cồn cát ngập nắng vàng

Những giọt nắng sáng trưng vùng biển rộng

Gió lồng lộng tiễn thuyền đi tít tắp

Chim lẻ bạn chắp cánh một mình bay

Cồn cát say nắng lịm cả bãi bờ

Em ngờ ngợ đoán chừng như biển nhớ...!

 

Biển nhớ ai mà biển gọi không ngừng

Từng cơn sóng vẫn từng cơn réo rắt

Con dã tràng nhặt cát mãi hoài mong

Lấp cho đầy nỗi long đong kiếp phận

Biển lận đận suốt ngày theo con sóng

Bóng người tình thuyền viễn xứ về đâu

Em chìm sâu vào mênh mông biển gọi ...

 

Biển vẫn gọi khi nắng đã nhạt phai

Giai điệu buồn như bài ca tình tứ

Như chờ mong thuyền viễn xứ trở về

Rồi gió đêm bốn bề loay hoay thổi

Trên bãi cát còn nóng hổi bàn chân

Chỉ mình em thẫn thờ nghe biển gọi

Tiếng con tim trơ trọi dưới trăng mờ.

                                                Hoa Mặt Trời

 

*Có những bài thơ trong đó tác giả trưng ra những hình ảnh theo như những gì họ Quan Sát được, tác giả không đưa ra ý kiến hay giải thích gì về những hình ảnh đó, họ để cho những hình ảnh đó nói lên những điều họ muốn bày tỏ với người đọc.

  Ví dụ:

BUỔI TỐI TẬP ĐÀN

 

Em ngồi tập đàn

Bố ở cạnh bên

Mẹ đang may áo

Bé nhảy tung tăng ...

 

Ngón tay em nhỏ

Tưng tiu phím đàn

Mẹ hát giọng cao

Tiếng bố hơi trầm

Bé vỗ nhịp tay

Giai điệu hạnh phúc ...

 

Đèn trên trần nhà

Lân la tỏa sáng

Cả nhà thương yêu

Mẹ cười sung sướng.

                        Hoa Mặt Trời

 

*Sự Quan Sát kỹ lưỡng trước một con người, một con vật cũng như một sự vật nào đó, giúp tác giả có thêm ý tưởng để họ dễ dàng hơn khi bày tỏ những gì mình muốn nói; có thể, bằng cách so sánh ẩn dụ, hoặc nhân cách hóa một con vật, hoặc cụ thể hóa một ý tưởng trừu tượng nào đó của tác giả.

  Ví dụ:

Bạn thấy được tâm sự gì của tác giả qua bài thơ dưới đây:

BÉ CẤT LỜI

 

Thím vịt bầu

Gọi vịt con

Các con ơi

Ta đi tắm!

“Cạp, cạp, cạp!”

 

Lũ vịt con

Bơi theo mẹ

Giữa ao bèo

Cười thích chí

“Cạp, cạp, cạp!”

 

Nàng gió thu

Mềm như lụa

Lướt qua ao

Vịt rùng mình

“Cạp, cạp, cạp!”

 

Vịt út ít

Lạnh run rồi

Mái chèo non

Mỏ xí xọn

“Cạp, cạp, cạp!”

 

Ông mặt trời

Tít trên cao

Nhào xuống ao

Vịt reo cười

“Cạp, cạp, cạp!”

 

Cả nhà vịt

Mắt long lanh

Đùa trong nắng

Tắm sạch rồi

 “Cạp, cạp, cạp!”

 

Bé chào đời

Tạ ơn trời

Ban lẽ sống

Bé cất lời

“Oa, oa, oa!”

 

            1/6/2010

            Hoa Mặt Trời

Mời bạn xem phần tiếp theo: 4/ ĐỐI THOẠI 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét