Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

TÔI HỌC LÀM THƠ: 2/ LIỆT KÊ

      Một bài thơ có yếu tố Liệt Kê, là một bài thơ có sự kết hợp giữa các từ ngữ và ý tưởng của nó, theo một cấu trúc tương tự như một bản liệt kê từ trên xuống dưới.

Trong một bài thơ:

*Bạn có thể sử dụng hàng loạt những từ chỉ số lượng, hoặc những từ chỉ thứ tự liên tiếp để tạo nên sự mạch lạc cho bài thơ

  Ví dụ:

    Tháng Chạp là tháng trồng khoai,

Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà.

    Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,

Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng.

    Ai ai cũng vợ cũng chồng,

Chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay.

    Tháng Năm gặt hái đã xong,

Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.

    Năm nong đầy em xay em giã,

Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.

    Sang năm lúa tốt tiền nhiều,

Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng.

    Đói no có thiếp có chàng...

            Khuyết danh

 

    Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

    Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua

    Năm thương cổ yếm đeo bùa

Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng

    Bảy thương nết ở khôn ngoan

Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh

    Chín thương em ở một mình

Mười thương con mắt có tình với ai.

            Ca dao Việt Nam

 

*Một bài sử thi thường có những sự Liệt Kê nơi chốn, tính cách của nhân vật, hoặc những sự việc xảy ra theo dòng lịch sử...

Một bài thơ tả cảnh núi rừng thường có sự Liệt Kê các loài cỏ cây, với tính chất, màu sắc hoặc công năng của từng loài cây cỏ trong đó...

Một bài thơ cũng có thể Liệt Kê ra hàng loạt sự việc, hay hàng loạt sự vật nào đó với những biến hóa của sự vật, hiện tượng đó...

  Ví dụ:

Những hạt mưa trong suốt

Làm buốt giá cơn mưa

Làm sâu thêm ánh mắt

Mưa dắt hạ vào mùa. . .

Mưa từng cơn nặng hạt

Nhạt nhòa cả chân mây

Đổ đầy trên nương rẫy

Mưa trút xuống rừng cây

Rì rầm qua kẽ lá

Cho màu lá xanh hơn

Mưa đơm trái trong vườn

Mưa trườn theo con suối

Mưa bắc cầu qua sông

Mưa ùa ra biển rộng

Lồng lộng muôn cánh gió

Chở mưa về hồn hoang...

(trích trong “Mưa Nguồn” tác giả Vũ Thủy)

 

*Một bài thơ có yếu tố Liệt Kê, là một bài thơ có những yếu tố được lặp đi lặp lại, chính sự lặp đi lặp lại này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ. Sự lặp đi lặp lại của một nhóm từ, với một chút khác biệt sẽ làm tăng thêm sự hấp dẫn cũng như tăng thêm sự mãnh liệt cho cảm xúc.

  Ví dụ:

Gió ẩn dưới vòm cây

Mây buồn trên đỉnh núi

Ta cúi nhặt vần thơ

Ghép nên lời thống khổ

Kể lể nỗi oan khiên

Ơi, người dân miền núi

Ơi, cái chữ đi hoang

Không hành trang vào đời

Ơi, chân trần đạp sỏi

Hỏi bàn chân có buồn

Ơi hỡi người K’Ho

Ngày no cơm mấy bữa?

 

Ta còn nửa vần thơ

Hóa thành bơ gạo mới

Gởi tới Kong Chơ-ro

Với chút gió trong lành

Gió ơi, xin hãy thổi

Để mây trôi bồng bềnh!

(trích trong “Mây buồn trên đỉnh núi” tác giả Hoa Mặt Trời)

 

Mời xem phần tiếp theo: 3/ QUAN SÁT     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét